Công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông còn nhiều hạn chế.
Đây là nội dung đã được HĐND Thành phố Hà Nội khoá XV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 18 vào đầu tháng 12/2020. Sau phiên chất vấn trên, mặc dù các địa phương, Sở, ngành của Thành phố đã vào cuộc chấn chỉnh, tuy nhiên các bất cập trong công tác quản lý, khai thác cát sỏi lòng sông, bến thuỷ nội địa vẫn chưa được khắc phục.
Cụ thể, theo Đoàn giám sát, đến nay, toàn thành phố có 201 bãi tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng (giảm 45 bãi so với năm 2020 là 246 bãi) ven sông Hồng, sông Đuống… Các bãi tập trung chủ yếu tại 8 quận huyện, thị xã gồm: Đan Phượng, Ba Vì, Gia Lâm, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Đông Anh, Sơn Tây. Trong số này chỉ có 77 bãi tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng có đủ thủ tục, phù hợp với tiêu chí hoạt động, 124 bãi tập kết còn lại không đủ thủ tục hoặc không phù hợp với tiêu chí.
UBND Thành phố đã giao Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã xây dựng phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thuộc nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến hoàn thành quý IV/2023. Đồng thời tiếp tục thực hiện các quy chế phối hợp với các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông. Công an Thành phố tiếp tục triển khai Quy chế phối hợp số 4409/QCPH ngày 11/11/2016 giữa Công an Thành phố Hà Nội với Công an các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hà Nam về phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản…
Qua trao đổi, một số quận, huyện đều nhận định công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Vẫn còn tồn tại tình trạng khai thác cát trái phép chưa được xử lý dứt điểm. Nguyên nhân là do nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng tăng, trong khi chưa có nguồn vật liệu xây dựng thay thế. Lợi nhuận từ hoạt động khai thác cát lớn. Do vậy đối tượng thường lợi dụng đêm tối, địa bàn giáp ranh, lợi dụng giấy phép khai thác được UBND các tỉnh giáp ranh cấp phép, lợi dụng ngày nghỉ/ngày lễ của các lực lượng chức năng để hoạt động khai thác cát trái phép.
Đoàn giám sát đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các Sở ngành, địa phương tổ chức tập trung chấn chỉnh các hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, khai thác cát sỏi lòng sông, hoạt động của các bến thuỷ nội địa đã báo cáo giám sát chỉ rõ. Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cùng các đơn vị liên quan nhanh chóng xây dựng phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn (thuộc nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND Thành phố giao). Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải khẩn trương rà soát, tham mưu cho UBND Thành phố lập hai quy hoạch bãi vật liệu xây dựng và quy hoạch bến thuỷ nội địa.
Trong thời gian hoàn thiện quy hoạch, UBND thành phố chỉ đạo Công an Thành phố tiếp tục phối hợp với các tỉnh bạn để phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản. Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản của tổ chức cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản, thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh. Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, khảo sát xây dựng bến, địa điểm tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính, tạo điều kiện cho công tác xử lý vi phạm hành chính trong công tác khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi. Chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, tổ chức giải tỏa đối với các bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông và trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông chưa đảm bảo điều kiện hoạt động theo chỉ đạo của UBND thành phố. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất đối với các bến bãi tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng ven sông…
VLXD.org (TH/ Xây dựng)