UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có chỉ đạo về triển khai thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng trong đó khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước có chất lượng thay thế vật liệu xây dựng nhập khẩu.
Một số bãi tập kết vật liệu xây dựng ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước có chất lượng thay thế vật liệu xây dựng nhập khẩu, thân thiện môi trường, các sản phẩm vật liệu xây dựng chế biến sâu để xuất khẩu theo cơ chế, chính sách hiện hành; hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư các trạm nghiền, trạm phân phối xi măng trên địa bàn Thành phố phù hợp với các quy định pháp luật.
Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư xây dựng, nhà ở xã hội, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị theo chức năng nhiệm vụ được phân công quản lý để tăng lượng sử dụng xi măng, sắt thép và các vật liệu xây dựng khác.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao Sở Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Thành phố; đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công theo chức năng nhiệm vụ được phân công quản lý để tăng lượng sử dụng xi măng, sắt thép và các vật liệu xây dựng khác.
Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tình hình thực tiễn để bố trí quỹ đất cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có đủ diện tích đất để đầu tư phát triển ổn định, lâu dài phù hợp với kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của Thành phố.
Sở Kế hoạch và Đầu tư giải quyết kịp thời các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng. Đồng thời, khi xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng phải lấy ý kiến Sở Xây dựng hoặc Bộ Xây dựng theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 09/2021, sự phù hợp so với chiến lược, đề án phát triển ngành vật liệu xây dựng; tránh trường hợp lãng phí thời gian và kinh phí đầu tư của doanh nghiệp do đầu tư không đúng địa điểm, không đúng chủng loại vật liệu xây dựng khuyến khích đầu tư; để tránh việc đầu tư dư thừa, dẫn đến cung vượt cầu, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng nghiên cứu giải pháp, chủ động đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất đối với nguyên liệu, nhiên liệu than, dầu, khí đốt và điện; áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất, tận dụng các nguồn nhiên liệu giá rẻ từ phế thải để giảm chi phí sản xuất.
Nguồn: Baoxaydung