Tăng cường công tác quản lý VLXD nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh để sản xuất VLXD. Đi đôi với đó là việc đổi mới công nghệ, đưa công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường vào sản xuất để nâng cao chất lượng, sản lượng các loại VLXD, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong tỉnh và cung cấp một số chủng loại VLXD ra ngoài tỉnh, xuất khẩu. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt các dự án sản xuất VLXD căn cứ trên các quy hoạch đã được phê duyệt: Dự án thăm dò, khai thác đá, cát, đất làm VLXD; các dự án sản xuất, kinh doanh VLXD, như: Gạch không nung, gạch nung tuynel, gạch ốp lát, xi măng, cát nghiền.
Công nhân Công ty CP Vật liệu xây dựng Bỉm Sơn trong ca sản xuất.
Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2423/QĐ-UBND ngày 3/7/2017. Trong đó, quy hoạch định hướng phát triển 7 nhóm VLXD trên địa bàn tỉnh, là: Vật liệu xây (gạch nung, gạch không nung), vật liệu lợp (nung và không nung), đá xây dựng, cát xây dựng (cát tự nhiên, cát nghiền), bê tông (cấu kiện và thương phẩm), vôi công nghiệp, tấm thạch cao. Đồng thời, quy hoạch cũng đã định hướng cụ thể để quản lý, kêu gọi đầu tư cho từng loại vật liệu bảo đảm phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, thời gian qua, sở đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy, tỉnh Thanh Hóa là địa phương có nhiều đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh VLXD, đa dạng về sản phẩm VLXD. Trong đó, khai thác VLXD có 215 đơn vị với tổng công suất 7.016.143 m
3/năm, khai thác cát 36 đơn vị với tổng công suất 740.869 m
3/năm, cát nghiền từ đá 3 đơn vị với tổng công suất 380.000 m
3/năm, khai thác đất san lấp 68 đơn vị với tổng công suất 5.116.978 m
3/năm, sản xuất xi măng 4 đơn vị với tổng công suất 16,61 triệu tấn/năm, sản xuất gạch tuynel 41 đơn vị với tổng công suất 1.417 triệu viên/năm, sản xuất gạch không nung 51 đơn vị với tổng công suất 1.096 triệu viên/năm, sản xuất gạch ceramic 2 đơn vị với tổng công suất 5,2 triệu viên/năm, sản xuất vôi công nghiệp 1 đơn vị với công suất 450.000 tấn/năm.
Trong quá trình phát triển, cho thấy nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu đòi hỏi ngày càng cao về số lượng cũng như chất lượng; các doanh nghiệp sản xuất VLXD phải đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; một số sản phẩm VLXD năm 2018 tăng bình quân từ 8-12% so với cùng kỳ. Một số dự án sản xuất VLXD phát huy hết công suất, như: Xi măng Bỉm Sơn, xi măng Long Sơn, xi măng Nghi Sơn...; số lượng và chất lượng các sản phẩm VLXD đã đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, chất lượng VLXD trên địa bàn, Sở Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức kiểm tra 22 đơn vị sản xuất bê tông thương phẩm; trong đó, kiến nghị thanh tra sở xử lý vi phạm hành chính 1 đơn vị (Công ty CP Bê tông TCVN tại phường An Hoạch, TP Thanh Hóa), các đơn vị còn lại được thông báo kết quả kiểm tra để khắc phục những tồn tại trong sản xuất bê tông thương phẩm. Ngoài ra, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan kiểm tra 85 đơn vị khai thác, tập kết kinh doanh cát (21 mỏ cát, 64 bãi tập kết), đã báo cáo và được UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đồng thời, kiểm tra 55 đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản đá làm VLXD thông thường; những tồn tại đang được đoàn kiểm tra liên ngành tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo...
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, đi đôi với quản lý, thì việc phát triển VLXD phải bảo đảm tính bền vững, sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, việc sản xuất VLXD không làm ảnh hưởng tới kết cấu hạ tầng xã hội, di tích lịch sử văn hóa và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Tập trung phát triển một số chủng loại VLXD của tỉnh có lợi thế cạnh tranh về nguyên liệu, thị trường tiêu thụ. Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, từng bước loại bỏ cơ sở sản xuất công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp. Đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất VLXD mới phải gắn với vùng nguyên liệu, điều kiện cơ sở hạ tầng và thực hiện phân bố vào các khu, cụm công nghiệp. Đa dạng hóa các loại hình đầu tư, thu hút mọi nguồn lực cho phát triển VLXD. Khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất VLXD. Sắp xếp các cơ sở sản xuất thủ công, hình thành các cơ sở sản xuất có quy mô công nghiệp để có điều kiện đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất VLXD, đầu tư thiết bị tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ưu tiên cho việc đầu tư nghiên cứu các loại chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất VLXD. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh VLXD; khuyến khích phát triển các vật liệu mới, sử dụng các nguồn phế thải công nghiệp, thân thiện với môi trường; áp dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và nhất là việc chú ý đến công tác bảo đảm an toàn cho người lao động và vệ sinh môi trường. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, ứng dụng có hiệu quả Đề tài “Nghiên cứu sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên cho công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh”; khuyến khích sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong các công trình xây dựng. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng VLXD cũng cần khuyến khích phát triển các loại VLXD mới, sử dụng các nguồn phế thải công nghiệp, thân thiện với môi trường; sử dụng cát nghiền từ đá để sản xuất bê tông và vữa.
VLXD.org (TH/ Báo Thanh Hóa)