Sản xuất thép thường được coi là biểu tượng cho sức mạnh công nghiệp của một quốc gia.
Theo tờ The Economist, mỗi năm, Trung Quốc sản xuất lượng thép bằng tổng sản lượng của phần còn lại của thế giới. Quy mô sản lượng khổng lồ của nước này, khoảng 1 tỷ tấn/năm, bị “che khuất” bởi thực tế là phần lớn sản lượng vẫn nằm trong nước.
Tuy nhiên, xuất khẩu một trong những kim loại quan trọng của lĩnh vực xây dựng từ Trung Quốc ra thế giới gần đây tăng vọt, đạt 90 triệu tấn vào năm 2023, tăng 35% so với năm trước. Con số này có thể chỉ là một phần nhỏ trong tổng sản lượng thép của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng lại cao hơn sản lượng của Mỹ hoặc Nhật Bản trong một năm, và đủ để xây dựng 1.000 cây cầu Golden Gate ở Mỹ.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, các nhà sản xuất thép của nước này đang xuất khẩu với giá thấp, khiến các đối thủ cạnh tranh và chính trị gia nước ngoài đau đầu. Tháng trước, nhà sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản Nippon Steel đã kêu gọi chính phủ áp thuế chống bán phá giá đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu.
Trong 3 tháng tính đến tháng 6/2024, lợi nhuận ròng của Nippon Steel giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu ArcelorMittal còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi lợi nhuận ròng trong cùng kỳ giảm 73%. Những phàn nàn như vậy có xu hướng gây sức ép lên các chính trị gia.
Sản xuất thép thường được coi là biểu tượng cho sức mạnh công nghiệp của một quốc gia. Và mặc dù tình trạng dư thừa có nghĩa là giá thấp hơn đối với một nhóm người tiêu dùng phân tán, các chính trị gia lo ngại về "nỗi đau" tập trung mà nó gây ra cho công nhân và các khu vực sản xuất.
Thế giới giàu có từng chứng kiến tình trạng dư thừa thép Trung Quốc trong các năm 2008 và 2015. Mỗi đợt như vậy đều dẫn đến việc bổ sung rào cản thương mại. Từ năm 2008 đến năm 2018, Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện hơn 500 biện pháp thương mại ảnh hưởng đến việc nhập khẩu kim loại từ Trung Quốc. Tuy nhiên, lần này, hậu quả có thể sẽ rộng hơn nhiều.
Một phần là do kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng tồi tệ hơn. Khi lĩnh vực bất động sản (vốn sử dụng một lượng lớn thép) bị ảnh hưởng, các nhà sản xuất thép của nước này cũng phải chịu tác động. Theo bà Isha Chaudhary, chuyên gia về thị trường thép và nguyên liệu thô tại công ty tư vấn Wood Mackenzie, vào tháng 8/2024, chỉ có 1% trong số 250 nhà máy thép tại Trung Quốc báo cáo tình hình tài chính có lãi với chính phủ.
Giá thép cuộn cán nóng trong nước đã giảm 16% trong năm qua. Mặc dù giá giảm, nhiều nhà sản xuất của nước này vẫn không muốn hạ sản lượng do việc dừng lò cao thường mất nhiều tháng và tốn kém hơn so với việc duy trì hoạt động. Đối mặt với nhu cầu ảm đạm từ những khách hàng thường xuyên trong nước, các nhà sản xuất thép đang tìm kiếm thị trường ở những nơi khác.
Kết quả là xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng vọt và đi kèm với đó là một đợt thuế quan mới. Tháng trước, Canada đã tham gia "cuộc đua" áp thuế đối với thép Trung Quốc. Ngay cả ở Mỹ, nơi thuế quan cao đã ngăn chặn hầu hết thép nhập khẩu của Trung Quốc, các nhà sản xuất vẫn đối mặt với sự cạnh tranh khi giá toàn cầu giảm. Tháng 7/2024, Mỹ công bố mức thuế 25% đối với bất kỳ loại thép nào chưa được nấu chảy có nguồn gốc từ Mexico xuất khẩu vào Bắc Mỹ, nhằm ngăn chặn bất kỳ dấu vết nào của thép Trung Quốc có thể đi qua các quốc gia khác để vào Mỹ.
Phản ứng này không chỉ giới hạn ở thế giới giàu có. Ngày nay, hầu hết lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc đều hướng đến các nước đang phát triển, chiếm 9/10 điểm đến nước ngoài hàng đầu của thép vào năm 2023. Nhu cầu ở các nước Nam bán cầu đang tăng mạnh.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, lượng tiêu thụ thép của Ấn Độ sẽ tăng 8% trong năm nay và ở mức tương tự vào năm tới nhờ sự bùng nổ trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã giúp các nhà sản xuất thép mở rộng phạm vi hoạt động ở Nam bán cầu. Các công ty Trung Quốc xây dựng cảng và đường sắt ở các nước nghèo hơn, nơi chủ yếu sử dụng thép Trung Quốc.
Hiện nay, các nhà sản xuất thép ở các nước đang phát triển cũng bắt đầu phàn nàn về hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Vào tháng 8/2024, nhà sản xuất thép lớn nhất Ấn Độ Tata Steel đã phàn nàn về giá cả vô cùng thấp của các công ty Trung Quốc. Tháng 9/2024, Ấn Độ tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 30% đối với một số sản phẩm thép từ Trung Quốc. Brazil, Mexico, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã áp thuế đối với thép Trung Quốc trong năm nay.
Để ứng phó với tình hình kinh tế xấu đi ở trong nước và môi trường thương mại khó khăn ở nước ngoài, Trung Quốc đang thực hiện một số biện pháp khắc phục vấn đề dư thừa công suất. Chính phủ đã đưa ra các ưu đãi cho các doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc để đổi máy móc và thiết bị cũ lấy máy móc và thiết bị mới. Tháng trước, chính phủ đã đình chỉ việc phê duyệt các nhà máy thép mới. Nhưng nếu không có những cải cách mạnh mẽ hơn, sẽ khó có thể thấy nhiều thay đổi. Theo công ty tài chính và phân tích dữ liệu S&P Global, vào cuối năm tới, công suất thép hoạt động của Trung Quốc sẽ nhiều hơn so với số công suất bị đóng cửa.
Điều này khiến các nhà sản xuất thép Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tìm kiếm khách hàng mới. Xuất khẩu gần như chắc chắn sẽ tiếp tục tăng. Một số nhà sản xuất cũng đang xây dựng các cơ sở sản xuất mới với hy vọng duy trì quyền tiếp cận thị trường nước ngoài.
Vào tháng 7/2024, China Baowu Steel, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, đã tăng gấp đôi khoản đầu tư vào một nhà máy ở Saudi Arabia. Tsingshan Group, một công ty khai khoáng và kim loại Trung Quốc, đã bắt đầu sản xuất tại một nhà máy thép ở Zimbabwe. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa toàn cầu, nhưng ít nhất cũng tạo ra việc làm ở nước ngoài.
Các nhà sản xuất thép đang chuyển doanh số bán hàng khỏi lĩnh vực bất động sản đang trì trệ sang các nhà sản xuất khác của Trung Quốc như xe điện. Theo chuyên gia tư vấn James Campbell của CRU Group, “thép sẽ luôn tìm được chỗ đứng” cho dù các chính trị gia trên thế giới có thích hay không.
Nguồn: bnews