Giá cát "nhảy múa" nhà thầu xây dựng mệt mỏi
Trước năm 2020 giá cát vàng xây dựng tại Quảng Ngãi dao động ở mức trên dưới 300.000 đồng/m3 tại chân công trình. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, thị trường cát xây dựng tại tỉnh này tăng dựng đứng.
Giá cát tại Quảng Ngãi đang neo trên dưới 500.000 đồng/m3 và có thời điểm khan hiếm, trong khi trữ lượng cát của địa phương này lên đến cả trăm triệu m3.
Có thời điểm, thị trường cát xây dựng rơi vào tình trạng khan hiếm. Đặc biệt, có nơi giá cát tăng lên trên mức 700.000 đồng/m3, bất chấp nguồn cung dồi dào khi nhiều mỏ cát mới được cấp phép khai thác.
Việc giá cát tăng nóng khiến nhiều nhà thầu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nóng ruột. Bởi lẽ, giá dự toán xây dựng được thẩm định, phê duyệt thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế trên thị trường.
Ông H.V.N, giám đốc một doanh nghiệp xây dựng cho rằng, giữa giá cát niêm yết của mỏ, giá cát trên thị trường và giá cát trong bảng dự toán xây dựng chưa đồng nhất là nguyên nhân khiến cho thị trường cát cứ "nhảy múa". Bản thân nhà thầu là đơn vị chịu thiệt nhiều nhất vì vừa phải lo tiến độ công trình vừa phải "thân" với chủ mỏ để mua được cát.
"Doanh nghiệp xây dựng đang rất khó khăn, giá cát thẩm định để tính ra giá dự toán quá thấp, trong khi giá cát thực tế trên thị trường đã cao hơn nhiều. Đó là chưa nói chi phí vận chuyển mỗi km trung bình khoảng 3.500 đồng/km. Phải nhìn ra tận gốc vấn đề chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính là đưa được giá cát về thực tế", ông H.V.N nói.
Tương tự, ông N.V.L, chủ một doanh nghiệp xây dựng cho biết, công trình ông đang thi công trúng thầu vào năm 2023, giá cát trong dự toán nhỉnh hơn 300.000 đồng/m3. Nhưng thực tế để mua được cát phải "đi quanh" với giá trên 450 nghìn đồng/m3. Trong khi công trình kéo dài đến năm 2025 mới hoàn thành và giờ giá cát đang neo gần gấp đôi giá dự toán.
"Việc điều chỉnh lại giá dự toán đối với cát đầu vào cũng không dễ. Những bất cập này ai cũng thấy nhưng không ai giải quyết cho doanh nghiệp. Riêng năm 2023 dù giá tính thuế đối với cát là 150 nghìn đồng/m3, nhưng để mua cát phải xếp hàng. Doanh nghiệp xây dựng cần sự ổn định về giá vật liệu, nhất là cát để không phải vừa làm vừa sợ thiếu cát vừa lo giá nhảy múa", ông N.V.L kiến nghị.
Cũng theo ông N.V.L, hiện tại thị trường cát vẫn rất nóng, nguồn cát không dồi dào. Có thời điểm tài đưa xe đến bãi xếp hàng chờ đến lượt vào mỏ mua cát, nhưng có khi chủ mỏ "lắc đầu". Đó là chưa kể đề nghị xuất hóa đơn hoặc bán theo giá công bố.
Lỗi do nhà thầu?
Nhiều doanh nghiệp xây dựng cho rằng giá cát neo ở mức cao là do công tác điều hành giá của chính quyền Quảng Ngãi còn bất cập. Cụ thể, năm 2023 giá tính thuế là 150.000 đồng/m3, giá cát bán ra dù không giảm nhưng ổn định. Trong khi năm 2024, giá tính thuế tăng lên 230.000 đồng/m3.
Rõ ràng, theo cách tính thuế hiện nay nhà nước chỉ thu về 15%, tương ứng với khoảng 12.000 đồng/m3, nhưng điều này lại đẩy giá đấu giá trúng mỏ tăng cao, từ đó giá cát trên thị trường tăng.
"Giá cát tăng, thị trường không ổn định phần lớn do công tác điều hành giá của tỉnh", đại diện một doanh nghiệp chỉ ra và cho biết thêm một nguyên nhân nữa là các chủ mỏ ngầm bắt tay nhau và thị trường cát xây dựng đang bị làm giá.
Một lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, việc xây dựng đơn giá để tính thuế tài nguyên đối với mặt hàng cát ngoài các quy định của Bộ Tài chính thì đơn vị còn căn cứ trên cơ sở giá kê khai của các chủ mỏ. Từ đó, đơn vị mới xây dựng đơn giá tính tiền thuế năm 2024 đối với mỗi m3 cát là 230.000 đồng.
"Rõ ràng không có chuyện đơn vị tham mưu điều hành giá không tốt mà dựa vào nhiều yếu tố, trong đó có kê khai của các chủ mỏ", vị lãnh đạo này chia sẻ.
Không đồng tình với các nhà thầu, Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi Nguyễn Hữu Hồng cho rằng, giá thị trường cao thì đầu vào sẽ cao tác động đến tổng mức đầu tư các công trình. Do đó, sở đã tính toán, cân đối được mất và xây dựng bảng giá mới tham mưu UBND tỉnh trong cách tính thuế.
"Quan điểm của sở là đưa giá về tương đồng với các tỉnh trong khu vực để các sản phẩm có cát tăng được sức cạnh tranh. Đồng thời, kéo giảm giá bán để giúp nhà thầu có lợi", ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, các nhà thầu xây lắp nói như vậy là không có căn cứ, bởi cát hiện tại ở các mỏ đều có kê khai giá và xuất hóa đơn đầu vào, đầu ra và đó là giá công bố tại mỏ. Khi lập dự toán đơn vị tư vấn đã tính đến và đưa vào dự toán kể cả chi phí vận chuyển, thuế VAT.
"Tỉnh đã quy định các mỏ kê khai giá và công bố giá thì các mỏ phải bán đúng giá kê khai. Nhưng đằng này, nếu có trường hợp chủ mỏ không xuất hóa đơn nhưng nhà thầu vẫn đồng ý mua thì rõ ràng đây là cát lậu và nhà thầu đồng lõa.
Về lý thì chủ mỏ có hành vi vi phạm khi nâng giá bán so với giá kê khai và không xuất hóa đơn, có dấu hiệu trốn thuế. Còn nhà thầu biết chủ mỏ vi phạm nhưng không báo cho cơ quan chức năng mà ngược lại các anh còn tiếp tay mua giá cao, thậm chí chủ mỏ bán không có hóa đơn nhưng vẫn chấp nhận mua. Nhà thầu than giá cát cao nhưng không cùng tỉnh kéo hạ giá cát mà còn tiếp tay thì nhà nước không thể kéo giảm giá cát được", ông Hồng chỉ rõ.
Nguồn: Baogiaothong