Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Tin trong nước

20% doanh nghiệp xi măng đối mặt với nguy cơ phá sản

17/04/2013 - 02:01 CH

Khoảng 20% doanh nghiệp xi măng đang phải đối diện với nguy cơ bị phá sản. Lối thoát được các doanh nghiệp nghĩ nhiều nhất lúc này là tìm cổ đông chiến lược nước ngoài để giải quyết nợ và tái cơ cấu.
Thị trường bất động sản suy giảm, ngành xi măng trong nước cũng theo đó mà rơi vào cảnh thừa cung, hiệu quả đầu tư thấp, kéo theo nhiều doanh nghiệp xi măng thua lỗ và nguy cơ phá sản.

Ông Đỗ Đức Oanh, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, hiện nay chỉ khoảng 50% doanh nghiệp xi măng có thể trụ được, 30% doanh nghiệp khó khăn và 20% doanh nghiệp hết sức khó khăn và có nguy cơ phá sản.
 

Doanh nghiệp xi măng trong nước đang trông chờ các nhà đầu tư nước ngoài.

Đối phó với tình hình trên, các doanh nghiệp sản xuất xi măng buộc phải tái cơ cấu. Theo đại diện Hiệp hội, hiện nay các doanh nghiệp trong nước không đủ lực để tái cơ cấu hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp khác, nên "cứu cánh" chính là đối tác nước ngoài.

Nhà nước đã yêu cầu một số doanh nghiệp trong nước mua lại những nhà máy xi măng đang gặp khó khăn nhưng nguồn lực các doanh nghiệp này không đủ khả năng, như Tổng công ty Công nghiệp Xi măng (Vicem) chưa thể mua lại nhà máy xi măng Cẩm Phả và Hạ Long, nên tất yếu sẽ xảy ra việc mua bán sáp nhập (M&A) giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, ông Oanh nói.

Cùng quan điểm trên, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết, 3 năm qua, đã và đang có khoảng 10 thương vụ M&A trong ngành xi măng. Trong đó, những doanh nghiệp xi măng quản trị kém, nợ nhiều và lâm vào tình cảnh phá sản buộc phải bán cho nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính và có năng lực quản trị cao hơn.

Đặc biệt, theo VAFI, trong vài thương vụ M&A gần đây, một số nhà đầu tư nước ngoài đến từ khu vực ASEAN đặc biệt quan tâm đến thị trường xi măng Việt Nam.

"Các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần đa số của công ty xi măng trong nước qua hình thức tăng vốn điều lệ hoặc mua lại cổ phần của chủ sở hữu", VAFI cho hay.

Với xu thế này, cuối năm 2012, Tập đoàn xi măng Semen Gresik đến từ Indonesia đã chi hơn 4.800 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược của Xi măng Thăng Long. Sắp tới, khi phải gánh "cục nợ" gần 2.400 tỷ đồng từ Xi măng Cẩm Phả, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đang tính bán 70% cổ phần tại nhà máy này cho đối tác nước ngoài.

Vinaconex cho biết, hiện đã có hai tập đoàn xi măng nước ngoài quan tâm và gửi thư đề xuất hợp tác tái cấu trúc vốn Xi măng Cẩm Phả. Các đối tác sẵn sàng bơm một khoản trực tiếp cho để tái cơ cấu nợ, trả trước các khoản vay của nước ngoài.

VAFI nhận định, nếu thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành xi măng sẽ giúp xử lý hàng tỷ USD nợ xấu, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất xi măng mà còn ở các mảng kinh doanh khác của chủ đầu tư trong nước. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu xi măng cũng sẽ được mở rộng, dự kiến có thể tăng lượng xi măng xuất khẩu thêm 10 triệu tấn/năm trong thời gian tới, giúp giải quyết được bài toàn tìm đầu ra cho ngành này.

Theo Vnexpress

 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng