Chờ đợi, rồi thất vọng
Dự án tuyến đường vành đai 2,5 đoạn Đền Lừ II - Trương Định - Giáp Bát
nằm trên địa giới hành chính Q.Hoàng Mai thực hiện theo Quyết định số
108/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/6/1998. Để triển khai,
ngày 24/7/2002 UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ của tuyến
đường vành đai 2,5 tại Quyết định số 104/2002/QĐ-UB, tỷ lệ 1/500. Đến
ngày 11/7/2003 UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 81/2003/QĐ-UB về
việc quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường nối tiếp từ khu Đền Lừ II -
Trương Định - Giáp Bát. Tại Quyết định số 1985/2004/QĐ-UB, ngày 6/4/2004
của UBND TP Hà Nội dự án quy hoạch tuyến đường vành đai 2,5 được xây
dựng theo hình thức xây mới, giao cho BQLDA Q.Hoàng Mai là chủ đầu tư.
Tổng chiều dài tuyến đường trên là 1.049,5 m, chạy qua địa giới hành
chính các P. Tân Mai, Tương Mai, Hoàng Văn Thụ và Giáp Bát (Q.Hoàng
Mai).
Một phần của tuyến đường vành đai 2,5 đoạn qua P. Tân Mai.
Trong quá trình thực hiện dự án, người dân nằm trong mốc giới đã có đơn
kiến nghị lên các cấp chính quyền về việc BQLDA cắm sai mốc chỉ giới đỏ
mà UBND TP Hà Nội đã phê duyệt. Theo nhiều hộ dân, việc BQLDA Q.Hoàng
Mai cắm “lệch” mốc giới này để tránh GPMB qua đất của một số “đại gia”
trên địa bàn (?).Việc “điều chỉnh” này đã khiến hơn 200 hộ dân nằm trong
diện phải GPMB, thay vì 40 hộ như dự kiến. Đơn khiếu nại được gửi đi,
nhiều buổi đối thoại trực tiếp giữa nhân dân và chính quyền được thực
hiện nhưng không dẫn đến kết quả cụ thể.
Ngày 5/4/2010 UBND TP Hà Nội ra QĐ 1509/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn
khiếu nại của công dân các phường Tương Mai, Tân Mai, Giáp Bát, Q.Hoàng
Mai liên quan tới quy hoạch dự án xây dựng đường 2,5. Theo đó, nội dung
phản ánh là không chính xác. Chỉ có thiếu sót địa danh P. Thịnh Liệt mà
các tuyến đường đi qua, việc này dẫn đến sự hiểu lầm của công dân. Việc
thể hiện cụm từ “Phía Tây: Giáp trục đường Kim Đồng và khu nhà ở làng
Tám” dẫn đến nhân dân hiểu sai quy hoạch và cho rằng đường Kim Đồng
không nằm trong tuyến đường trên là có thật (!)
Quyết định nêu rõ “đây là lỗi trong các văn bản hành chính của UBND nêu
chưa thống nhất, chưa cụ thể, gây thắc mắc trong nhân dân. Các ngành
chức năng của TP đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Câu trả lời này nhiều
người nói “nghe quen quen”. Hình như cứ có gì sai lại thuộc về dùng câu
chữ, và thể nào cũng là lỗi của văn phòng, văn bản (?).
Làm sao để đồng thuận?
Sau nhiều năm dự án bị “đắp chiếu”, ngày 27/9/2010 UBND Q.Hoàng Mai đã
ban hành kế hoạch số 113/KH-UBND, về việc triển khai công tác GPMB với
180 hộ gia đình ở P.Tân Mai. Theo QĐ số 9382/QĐ-UB ngày 22/12/2004 của
UBND TP Hà Nội để thực hiện tuyến đường phải thu hồi 55.148 m2 đất, di
dời gần 300 hộ gia đình và 14 cơ quan, tổ chức nhưng đến nay công tác
GPMB vẫn hết sức khó khăn bởi người dân vẫn chưa “thông” về việc thực
hiện quy hoạch. Ngoài ra với đơn giá đền bù hơn 30 triệu đồng/m2 thì
theo nhiều hộ dân là còn quá thấp so với giá thị trường. Trao đổi với PV
XD&PL, ông Nguyễn Viết Trường - Phó ban Bồi thường GPMB Q.Hoàng Mai
cho biết: Mức giá đền bù được áp dụng theo đúng khung giá mà Nhà nước
quy định. Qua nhiều lần kiến nghị nâng giá, đến nay đơn giá đã tăng lên
1,6 lần. Và ông phân bua: Biết rằng nhân dân ở khu vực Trương Định, Tân
Mai chủ yếu dựa vào làm ăn buôn bán. Nếu phải GPMB sẽ rất khó khăn cho
cuộc sống sau này, nhưng tất cả phải tuân thủ nguyên tắc. Ông Vũ Ngọc
Cương - Phó Chủ tịch UBND P.Tân Mai thì kêu khó: Tân Mai có 262 hộ và 10
tổ chức nằm trong chỉ giới GPMB dự án, thì có đến 70 hộ đang phải thuê
nhà của Cty Quản lý nhà Hà Nội, việc đền bù, tổ chức tái định cư gặp
phải rất nhiều khó khăn…
Dự án đường vành đai 2,5 chậm tiến độ với những lý do trên đã quá rõ.
Người dân luôn ủng hộ sự phát triển của TP qua việc làm con đường này,
nhưng những điều vừa nêu trên đã tạo nên sự bức xúc và nghi ngờ không
đáng có trong dân. Làm sao để đồng thuận, có lẽ nên bắt đầu từ mọi sự
phải được công khai cho dân biết, dân bàn. Sau đó là một phương án đền
bù thỏa đáng và hợp lý. Điều đó không phải là không làm được.
Theo: Vũ Chiến
Báo Xây Dựng