Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Thông tin Bất động sản

Bất động sản 24h: Nhiều dự án sẽ mở bán sau tháng “cô hồn”

26/08/2016 - 06:02 CH

Kinh doanh bất động sản thu hút 836,2 triệu USD; Việt Nam vào top 10 về M&A trong lĩnh vực bất động sản; Nhiều dự án bất động sản sẽ mở bán sau tháng “cô hồn”; Quảng Bình: Thu hồi dự án nghỉ dưỡng suối nóng Bang của Indochina Group... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.
>> Bất động sản 24h: Đất nền phía Tây Hà Nội - Kênh đầu tư hấp dẫn
>> Bất động sản 24h: Giá bất động sản tăng nhẹ

TIN TỨC - THỊ TRƯỜNG

Việt Nam vào top 10 về M&A trong lĩnh vực bất động sản: Ngày 25/8, Công ty nghiên cứu thị trường Cushman&Wakefield VN đã đưa ra nhận định trong năm 2016 sẽ có khoảng 10 giao dịch M&A (mua bán sáp nhập) trong ngành bất động sản hoàn tất, với giá trị giao dịch đạt trên 1,7 tỉ USD.
 
Trong đó Nhật Bản dẫn đầu với 5 giao dịch hoàn thành. Tính đến nay, hoạt động mua bán sáp nhập trong ngành bất động sản VN nằm trong top 10 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nguyên nhân khiến giao dịch M&A tại VN bùng nổ do việc phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do sẽ làm gia tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư đến VN trong năm nay.

Các yếu tố nền tảng của thị trường này rất đặc biệt với 60% dân số ở độ tuổi dưới 35 nhận được sự quan tâm của khu vực nhắm đến ngành hàng tiêu dùng nhanh trong nước. Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN dự đoán các nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương sẽ đổ xô đến VN và trong năm nay.

Kinh doanh bất động sản thu hút 836,2 triệu USD: Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 8 tháng năm 2016, đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới trong lĩnh vực BĐS là 34 dự án, với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 836,2 triệu USD, chiếm 5,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
 

Đến ngày 20/8, cả nước có 1.619 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 9,795 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, có 770 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,571 tỷ USD, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Bất động sản công nghiệp trở mình nhờ FTA và TPP

Việc hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết gần đây có thể kể đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác (RCEP); FTA với Liên minh châu Âu; FTA với Hàn Quốc; Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là bàn đạp thu hút đầu tư vào BĐS công nghiệp.

Theo nhận định của Cushman & Wakefied, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành điểm đến công nghiệp hàng đầu trên thế giới do chi phí nhân công thấp và nằm trong khu vực lưu thông hàng hải huyết mạch giữa châu Âu và châu Mỹ. Nhiều doanh nghiệp ngoại đang tìm đến Việt Nam do tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng, tạo điều kiện để hình thành một xu thế bất động sản mới là lĩnh vực cho thuê nhà máy, kho bãi. Các đơn vị sản xuất cũng như logistics cũng sẽ chuyển mình trong thời gian tới khi quỹ đất dành cho hoạt động này lại không còn nhiều trong khi nhu cầu về phân khúc này lại có xu hướng tăng cao.

Đón trước làn sóng đầu tư này, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư sẵn sàng hạ tầng để đón sóng đầu tư. Có thể kể tới Địa ốc Hoàng Quân với dự án Khu công nghiệp Hàm Kiệm I tại Bình Thuận và KCN Bình Minh tại Vĩnh Long; hay Becamex với dự án Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex - Bình Phước.

Không chỉ các doanh nghiệp nội địa, các nhà đầu tư nước ngoại cũng thức thời rót vốn đầu tư khu công nghiệp. Tập đoàn Amata (Thái Lan) đã có dự án khu công nghiệp tại Long Thành (Đồng Nai), còn Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) cũng đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư Khu công nghiệp Thăng Long III (Vĩnh Phúc).

Nhiều dự án bất động sản sẽ mở bán sau tháng “cô hồn”: Theo nhận định của các chuyên gia, nguồn cung bất động sản trong những tháng cuối năm 2016 ở Hà Nội sẽ tiếp tục tăng mạnh khi nhiều chủ đầu tư đang lên kế hoạch mở bán hàng loạt dự án sau tháng Ngâu.
 

Có thể kể tới những dự án của các “ông lớn” bất động sản sẽ tiếp tục mở bán như: Tập đoàn Vingroup với Vinhomes Sky Lake Phạm Hùng, Khu đô thị Vinhomes Smart City Nguyễn Trãi; Tập đoàn Tân Hoàng Minh với dự án D’.Le Jardin Trần Duy Hưng, dự án D'.Le Roi Soleil Tây Hồ; Tập đoàn FLC với dự án Twin Tower Cầu Giấy…

Ngoài những tên tuổi lớn trên thị trường, trong những tháng cuối năm 2016 cũng sẽ đón nhận khá nhiều dự án của các tên tuổi lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường bất động sản Hà Nội, như dự án chung cư Sao Ánh Dương (Star AD1) tại Lĩnh Nam của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Ánh Dương, hay dự án mang thương hiệu riêng Rivera của Long Giang Land…

Hải Phòng thiếu nguồn cung căn hộ cao cấp cho thuê: Theo số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng, nguồn cung của thị trường này hiện nay có khoảng 1.000 căn. Trong khi đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng cho biết, hiện có 3.685 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hải Phòng.
 

Ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng phòng Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng) cho biết, người nước ngoài sống ở Hải Phòng chủ yếu là do yêu cầu công việc và theo làm việc tại các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Hải Phòng. Những đối tượng này có thời gian lưu trú tại Hải Phòng khoảng 2 năm, theo thời hạn giấy phép lao động được cấp.

Số lượng lao động nước ngoài sẽ còn tăng trong thời gian tới, vì thời gian gần đây Hải Phòng liên tục thu hút các dự án FDI mới (dự kiến trong năm 2016, Hải Phòng sẽ hút hơn 3 tỷ USD vốn FDI), kéo theo nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng người nước ngoài. Có thể thấy, nhu cầu về nhà ở cho người lao động nước ngoài đang tăng cao, trong khi nguồn cung hạn chế.

Hiện các dự án căn hộ cao cấp cho thuê như Sun Flower, H Tower, Somerset (thuộc Dự án TD Plaza Hải Phòng) đã lấp đầy.

THÔNG TIN DỰ ÁN

TP.HCM: Giao đất cho liên doanh Sabetran - Trung Thủy đầu tư Lancaster D4: UBND Thành phố vừa quyết định thu hồi khu đất có diện tích hơn 2,3 ha tại 78 đường Tôn Thất Thuyết, Quận 4 và giao 1 phần diện tích cho Công ty Sabetran Trung Thủy đầu tư Khu phức hợp Thương mại - dịch vụ, văn phòng và căn hộ Lancaster D4.


Phối cảnh (cũ) dự án Lancaster D4

Theo đó, thu hồi khu đất có diện tích 23.990 m2 tại số 78 đường Tôn Thất Thuyết, phường 16, Quận 4 do Công ty Cổ phần Giao nhận và Vận tải bia Sài Gòn sử dụng, khu đất này được cấp vào ngày 06 tháng 11 năm 2006.

Nguyên nhân thu hồi là do Công ty Cổ phần Giao nhận và Vận tải bia Sài Gòn hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Sabetran Trung Thủy để đầu tư xây dựng Khu phức hợp Thương mại - dịch vụ, văn phòng và căn hộ Lancaster D4.

Sau khi thu hồi, 2,3 ha đất tại 78 đường Tôn Thất Thuyết được chia làm 3 khu:

Thành phố giao UBND quận 4 quản lý khu 1 có diện tích 5.470,5 m2 và khu 2 có diện tích 4.371,6 m2 để xây dựng Trường mầm non và xây dựng đường số 1 (từ đường Tôn Thất Thuyết đến hẻm số 326 Đoàn Văn Bơ).

Khu 3 có diện tích 13.827,1 m2 sẽ được giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Sabetran Trung Thủy để đầu tư xây dựng Khu phức hợp Thương mại - dịch vụ, văn phòng và căn hộ Lancaster D4.

Quảng Bình: Thu hồi dự án nghỉ dưỡng suối nóng Bang của Indochina Group: UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định thu hồi hơn 21 ha đất thuộc dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, phục hồi chức năng suối nước nóng Bang của Tập đoàn Indochina Group.


Phối cảnh dự án du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng Bang

Nội dung quyết định nêu rõ, thu hồi 212.870 m2 đất của Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương (thuộc Tập đoàn Indochina Group) tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy.

Nguyên nhân thu hồi là do Công ty này thực hiện dự án chậm trên 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ ngày nhận bàn giao đất trên thực địa.

Được biết, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước khoáng nóng Bang được đầu tư xây dựng từ năm 2008. Theo cam kết, dự án đưa vào sử dụng (giai đoạn 1) năm 2011, nhưng đến thời điểm này chỉ mới thực hiện được một số hạng mục nhỏ lẻ.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, doanh nghiệp đã phá hỏng nhiều cảnh quan của khu vực suối nước khoáng nóng Bang và gây ô nhiễm môi trường.

FLC Group đầu tư chiến lược vào Quảng Ninh: Tập đoàn FLC vừa cho biết đã quyết định chọn tỉnh Quảng Ninh làm địa điểm đầu tư chiến lược tiếp theo của mình, sau Thanh Hóa và Bình Định.

Theo đó, ngoài dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, Tập đoàn FLC dự định sẽ đầu tư một tòa tháp cao từ 50 - 60 tầng như một biểu tượng của thành phố Hạ Long. Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai các dự án khác tại điểm đến du lịch nổi tiếng này.

Ông Đặng Tất Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, sở dĩ FLC quyết định chọn Quảng Ninh làm một trong những trọng điểm đầu tư của Tập đoàn trước hết bởi vị thế, tiềm năng của tỉnh trên bản đồ du lịch trong nước và khu vực. Quảng Ninh sở hữu Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO bình chọn là di sản thiên nhiên của Thế giới – một địa danh “phải đến” của du khách thập phương.

VLXD.org (TH)
 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng