>> Bất động sản 24h: Nguy cơ dư thừa BĐS cao cấp từ đầu 2017
>> Bất động sản 24h: Nhộn nhịp thị trường chung cư vùng ven
TIN TỨC - THỊ TRƯỜNG
Hà Nội lần đầu tổ chức thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản: Hội môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam vừa kết hợp với Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị tổ chức kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Đây là kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS lần đầu tiên tại khu vực phía Bắc.
Thông tin trên Lao động cho biết, kỳ thi nhằm thực hiện và cụ thể hóa Luật kinh doanh BĐS, Thông tư 11 năm 2015 về nội dung sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hiệp hội môi giới BĐS cho biết, kỳ thi sát hạch đợt 1 có sự tham gia của 129 hồ sơ thí sinh. Các hồ sơ đều được kiểm duyệt chặt chẽ.
Việc thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề có ý nghĩa quan trọng đối với người môi giới BĐS, làm cơ sở pháp lý hành nghề, đồng thời giúp thị trường môi giới BĐS Việt Nam ngày càng sôi động, chuyên nghiệp hơn.
Đà Nẵng: Phòng chống rửa tiền thông qua chuyển quyền sử dụng nhà đất: Ngày 17/8, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, lãnh UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản giao các sở, ngành hữu quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền thông qua chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... thông tin trên Infonet cho biết.
Theo đó, thực hiện Công văn 3148/BTNMT-TTr ngày 1/8 của Bộ TN-MT về thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền, UBND TP Đà Nẵng giao Sở TN-MT phối hợp với Sở Tư pháp, Cục thuế TP và UBND các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các phòng Công chứng triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền theo quy định tại Luật phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng thời báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng khi phát hiện giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ thông qua việc chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
AEC: Tín hiệu tốt đối với bất động sản Việt Nam: Theo nhận định của ông Alex Crane - Tổng Giám Đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đăng trên Tạp chí Tài chính: Các nguyên tắc chính của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là nhằm tạo dựng một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, và dòng vốn chảy xuyên biên giới. Đây là tín hiệu tốt đối với mọi phân khúc của bất động sản tại Việt Nam như: bán lẻ, thương mại, công nghiệp và nghỉ dưỡng.
Theo Alex, đầu tư từ AEC vào bất động sản cũng sẽ tác động đến cơ sở hạ tầng, và Việt Nam sẵn có vị thế tốt cho những cải tiến khi đem ra so sánh với các trung tâm thương mại lớn khác. Cơ sở hạ tầng có mối liên hệ tự nhiên với bất động sản và sẽ có những lợi ích đối ứng gián tiếp lên cả hai phân khúc bất động sản thương mại và nhà ở một khi giao thông và hậu cần được cải thiện.
Ngoài những tác động của việc tăng nhu cầu từ phía nhà đầu tư và khách thuê, sự trưởng thành về tài chính được tin là sẽ cải thiện, và Việt Nam hiện đang thực hiện một bước tiến lớn với Thông tư 36. Khuôn khổ pháp lý có tính hỗ trợ như vậy hướng vào thị trường bất động sản đã được khởi xướng, bao gồm việc nới lỏng quyền sở hữu tài sản thương mại và nhà ở cho người nước ngoài, và việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty địa phương.
Trong điều kiện hiện tại, Việt Nam đang hoạt động tốt hơn so với các nước láng giềng khi kể đến tăng trưởng tiềm năng, và triển vọng trong tương lai rất tích cực, được thúc đẩy bởi các phân khúc bất động sản thương mại.
Thị trường bất động sản trùng xuống trong tháng Ngâu: Theo ghi nhận của Đầu tư Bất động sản, hiện thị trường Hà Nội mới chỉ ghi nhận một vài dự án mở bán trong tháng 7 Âm lịch như Capital Land tiếp tục mở bán một số căn hộ thuộc Dự án Seasons Avenue, Công ty TNHH Bất động sản và Xây dựng Việt Hưng mở bán Ecogreen City, Tập đoàn GFS mở bán tiếp Dự án Five Star Garden, Vingroup đang mở bán Vinhomes Thăng Long…
Tại thị trường phía Nam, tiên phong “bung hàng” trong tháng Ngâu năm nay là Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long với Dự án Dragon Hill 2 (quận 7), Tập đoàn Hà Đô với Dự án Khu phức hợp HaDo Centrosa Garden (quận 10), Hưng Thịnh với Dự án MoonLight Residences (quận Thủ Đức). Tuy vậy, so với năm ngoái, tính tới thời điểm nay, khi một nửa thời gian của tháng Ngâu đã đi qua, lượng giao dịch thành công ghi nhận được rất ít.
Tồn kho bất động sản "đọng" nhiều ở phân khúc đất nền: Thông tin trên Bnews cho biết: Thời điểm hiện nay, các giao dịch bất động sản đang có xu hướng chững, lượng tồn kho chủ yếu đọng ở phân khúc đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ.
Tổng giá trị tồn kho bất động sản toàn quốc còn gần 36.000 tỷ đồng; so với tháng 12/2015 giảm 14.931 tỷ đồng, tương đương 29,34% và so với thời điểm kết thúc quý 2/2016 giảm 1.530 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tồn kho đất nền nhà ở chiếm giá trị lớn nhất với gần 4,4 triệu m2, xấp xỉ 16.000 tỷ đồng. Tiếp đến là tồn kho nhà thấp tầng khoảng 9.890 tỷ đồng, tương ứng 4.951 căn; chung cư 4.883 căn, tương đương 6.893 tỷ đồng; đất nền thương mại hơn 1 triệu m2, khoảng 3.255 tỷ đồng.
Giá trị tồn kho bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu cả nước với khoảng 6.599 tỷ đồng. Tại Hà Nội, giá trị tồn kho bất động sản hiện rơi vào khoảng 5.823 tỷ đồng.
THÔNG TIN DỰ ÁN
Sapphire rút lui khỏi dự án Sanctuary Hồ Tràm: Công ty Sapphire vừa có thông báo về việc rút tất cả 51% cổ phần khỏi dự án Sanctuary Hồ Tràm.
Theo thông tin từ Sapphire, việc rút lui khỏi dự án này là để tập trung hoàn toàn vào các hoạt động cốt lõi của Tập đoàn.
"Sau khi phân tích và xem xét cẩn thận các chiến lược, Hội đồng quản trị của Sapphire quyết định rút cổ phần khỏi dự án Sanctuary Hồ Tràm. Việc rút cổ phần sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho các cổ đông, đồng thời phù hợp với chiến lược trọng tâm và dài hạn của Sapphire”, ông David Clarkin, Đồng Giám đốc Điều hành của Sapphire cho biết.
The Golden Palm - điểm nhấn mới của thị trường BĐS Thủ đô: Sở hữu vị trí đắc địa, thiết kế hiện đại, tiện ích hoàn hảo, The Golden Palm được giới chuyên gia nhận định sẽ là điểm nhấn mới của thị trường BĐS Thủ đô trong quý III/2016.
The Golden Palm tọa lạc trên mặt đường Lê Văn Lương – trục đường nổi bật và phát triển được quy hoạch đầu tư xây dựng đồng bộ của TP Hà Nội. Từ dự án, cư dân dễ dàng di chuyển đến trung tâm thành phố và các vùng ngoại ô bằng nhiều tuyến đường hiện đại như: đường Láng, Láng Hạ, Kim Mã, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến… Đồng thời, dự án cũng là nơi tiếp giáp và có hạ tầng khớp nối với trung tâm hành chính, chính trị của cả nước với nhiều công trình quy mô lớn như: Quảng trường Ba Đình, Đại Sứ quán Nhật Bản, Đài truyền hình Việt Nam, khách sạn Daewoo, khách sạn Lotte…
Bên cạnh đó, The Golden Palm cũng nằm trong khu vực dân trí cao, cơ sở hạ tầng phát triển, tiện ích và dịch vụ hiện đại đồng bộ về giáo dục, y tế, giải trí như: trường THPT Hà Nội - Amsterdam; Đại học Luật, Đại học Ngoại Thương, Đại học Khoa học Tự nhiên; Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn; Viện nhi Trung Ương…
VLXD.org (TH)