Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Tin tức

Hà Nội: Sẽ thu hồi nhà siêu mỏng, siêu méo

02/03/2011 - 04:38 CH

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Phí Thái Bình khẳng định “xử lý vấn nạn này là nhiệm vụ cấp bách của chính quyền thành phố”.
UBND thành phố Hà Nội ngày 1/3 khẳng định sẽ cương quyết thu hồi, giải phóng mặt bằng đối với các công trình, nhà ở không đủ diện tích xây dựng, ảnh hưởng đến bộ mặt kiến trúc đô thị.

“Tuyên chiến” với nhà siêu mỏng, siêu méo

Đối với các trường hợp đất và các công trình xây dựng trên đất (nếu có) không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng (nhà siêu mỏng, siêu méo) phát sinh trước thời điểm Quyết định 26/2005/QĐ-UBND có hiệu lực, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng, Tư pháp, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng khẩn trương nghiên cứu, soạn thảo văn bản hướng dẫn trình tự, biện pháp xử lý.

Đối với công trình siêu mỏng, siêu méo đã được xây dựng, thành phố sẽ có chính sách thu hồi, giải phóng mặt bằng.


Hà Nội sẽ thu hồi nhà siêu mỏng, siêu méo - Ảnh minh họa

Trước đó, trong văn bản gửi sở, ban ngành cùng các quận, huyện trên địa bàn thành phố ngày 25/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Phí Thái Bình nêu rõ, để đảm bảo mỹ quan đô thị, đối với các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới, UBND thành phố chỉ xem xét, phê duyệt khi có quy hoạch hai bên tuyến đường kèm theo.

Thành phố cũng yêu các quận, huyện thị xã thống kê, lập danh mục cụ thể chính xác các trường hợp đất và công trình xây dựng trên đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng dọc theo các tuyến đường thuộc địa bàn mình quản lý, báo cáo UBND thành phố trước ngày 10/3/2011.

Theo thống kế của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có hàng trăm ngôi nhà không đủ diện tích xây dựng theo quy định, trong đó có nhiều nhà nằm trên mặt phố gây ảnh hưởng xấu đến kiến trúc, mỹ quan đô thị. Các phố có nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo là Xã Đàn, Lê Trọng Tấn (Hà Đông), Lê Văn Lương kéo dài, đường 32...

Cuối năm 2010 và đầu tháng 1/2011, thành phố cũng đã ban hành các quyết định nhằm “tuyên chiến” với nhà siêu mỏng, méo trên.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND Hà Nội, việc xử lý những bất cập trên vẫn gặp nhiều khó khăn do thành phố vẫn chưa có một cơ chế và văn bản pháp lý rõ ràng, nghiêm khắc dẫn đến hiệu quả không cao.Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Phí Thái Bình đã khẳng định “xử lý vấn nạn này là nhiệm vụ cấp bách của chính quyền thành phố”.

Thí điểm để xây dựng “chuẩn”


Mở đầu cho chiến dịch này, thành phố chọn quận Thanh Xuân để làm điểm, xây dựng “chuẩn” cho các quận, huyện khác trong việc “xóa sổ” những ngôi nhà, diện tích đất “mỏng, méo” trên địa bàn.

Theo thống kê của quận Thanh Xuân, hiện trên địa bàn quận còn 83 trường hợp mặt bằng không đủ xây dựng theo quy định tại Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg (ngày 28/2/2005) của Thủ tướng Chính phủ, trong đó 10 trường hợp tồn tại trước ngày Quyết định 26/2005/QĐ-UB của UBND thành phố có hiệu lực (28/2/2005) và 73 trường hợp phát sinh sau ngày 28/2/2005.

UBND quận đã ban hành nhiều văn bản về quản lý, hướng dẫn xây dựng và hợp khối các thửa đất còn lại sau GPMB. Đồng thời, không cấp phép xây dựng cho trường hợp nào dưới 15m2, cũng như các mảnh đất có hình thù kiến trúc “mỏng, méo”. Nhưng quận Thanh Xuân vẫn chưa thể giải quyết triệt để tình trạng này do thiếu kiến trúc tuyến phố để hướng dẫn các hộ dân. Công tác thu hồi đất, chính sách bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập do diện tích còn lại sau khi giải phóng mặt bằng có giá trị tăng cao nên việc hợp khối với các chủ sử dụng liền kề rất khó thực hiện.

Giải quyết vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Khắc Thọ cho rằng, quận phải có phương án cụ thể thu hồi, xử lý triệt để các diện tích “mỏng, méo” đó, “nếu cứ để lơi lỏng thì chỉ cần qua thứ 7, Chủ nhật là người ta có thể xây được nhà mấy tầng”.

Quan điểm của Sở Quy hoạch kiến trúc là phải thu hồi tất những trường hợp đất “mỏng, méo”. Những trường hợp đang quy hoạch (như nút Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến) thì không cấp giấy phép cho xây dựng kiên cố, mà chỉ cấp phép xây dựng tạm, chờ hợp khối sau khi quy hoạch.

Bên cạnh đó, quá trình xử lý đất nhà “mỏng méo” cũng đặt ra một trở ngại từ việc áp giá đền bù. Bà Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho rằng, nếu cùng một mảnh đất, khi giải phóng mặt bằng áp một giá, lúc thu hồi diện tích còn lại do “mỏng, méo” lại theo giá khác sẽ khiến “người dân phản ứng khi so sánh”. Do đó, thành phố cần có quy định mức giá thống nhất để làm căn cứ đền bù cho giải phóng mặt bằng và thu hồi các diện tích “mỏng, méo” này.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phí Thái Bình chỉ đạo, áp giá theo giá bồi thường giải phóng mặt bằng năm 2011 đối với việc thu hồi đất “mỏng, méo”. Quận thành lập Hội đồng giải quyết vấn đề hợp khối, báo cáo từng trường hợp để kiến nghị thành phố. Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét cơ chế xử lý và chính sách đối với từng hộ cụ thể về nhà tái định cư đối với 19 trường hợp còn tồn tại, báo cáo thành phố trước ngày 20/4.

Những kết quả thí điểm tại quận Thanh Xuân sẽ là kinh nghiệm và “chuẩn” cho các quận, huyện khác như Ba Đình, Cầu Giấy, Từ Liêm, Đống Đa và góp phần giải quyết được vướng mắc trong thực tiễn “xóa sổ” nhà “mỏng méo” trên địa bàn Thủ đô.

TA_ Theo Vũ Trọng, Chinhphu.vn

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng