Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Văn Dương, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, hiện nay, ở nước ta nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là rất lớn, trong đó việc xây dựng các công trình hạ tầng (công trình xây dựng, công trình giao thông) luôn đòi hỏi một khối lượng lớn vật liệu - trong đó có vật liệu cát dùng để đắp nền đường, san lấp, làm vữa xây dựng và bê tông. Với thực tế nguồn tài nguyên cát sông ngày càng khan hiếm, đặc biệt là trong bối cảnh ngành Giao thông vận tải đang triển khai các dự án xây dựng đường ô tô trên cả nước (nhất là tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long), việc cung ứng kịp thời vật liệu cát sông phục vụ cho các dự án đang gặp nhiều khó khăn, vì vậy yêu cầu cấp bách và cần phải nghiên cứu, thử nghiệm nhằm tìm ra loại vật liệu thay thế cho cát sông (trong đó có vật liệu cát biển) nhằm đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ năm 2022 Bộ Giao thông vận tải đã chủ động triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, năm 2023 Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ và doanh nghiệp có liên quan để “Nghiên cứu, đánh giá khai thác thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng”.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thành, quyền Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho biết, công tác thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường đã đạt được một số kết quả tương đối khả quan về việc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, môi trường. Trong đó, cát biển có thể được sử dụng lu lèn đạt độ chặt K95 theo yêu cầu với lu thông thường; kết cấu quan trắc độ lún, biến dạng qua thời gian qua bước đầu cho thấy nền đường ổn định.
Báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho biết, vị trí thi công thí điểm thi công cát biển tại đường hoàn trả ĐT978 (giao với cao tốc Hậu Giang - Cà Mau tại vị trí km 79+820) đã có kết quả kiểm tra chất lượng đáp ứng yêu cầu đối với đường cao tốc. Việc sử dụng cát biển không ảnh hưởng đến các giá trị quan trắc, không tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Cát biển khai thác tại mỏ Trà Vinh có các chỉ tiêu cơ lý đáp ứng các yêu cầu đối với vật liệu đắp nền theo quy định của Tiêu chuẩn TCVN 9436:2012 "Nền đường ô tô - Thi công và nghiệm thu"; công tác thi công đầm nén được thực hiện tương tự cát sông và đạt yêu cầu về độ chặt.
Theo ông Thành, với những kết quả thí điểm được ghi nhận, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT dự kiến báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng cát biển trong giai đoạn trước mắt ở những nơi mặt bằng đã nhiễm mặn. Phạm vi đắp nền đường giai đoạn đầu nên hạn chế, có thể chỉ dùng cát biển đắp bù cho phần cào bóc hữu cơ, đắp nền đường với chiều cao nhất định, không đắp hết bằng cát biển mà vẫn kết hợp với cát sông. Ngoài ra, ông Thành cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu việc dùng vải địa kỹ thuật, màng chống thấm hạn chế sự thẩm thấu mặn của cát biển ra môi trường xung quanh.
Còn theo ông Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), vấn đề đặt ra hiện nay là chưa rõ cơ sở để có thể ứng dụng cát biển hoàn toàn. Có thể áp dụng theo hướng kết hợp giữa cát biển trộn với cát thông thường theo một tỷ lệ nhất định, đảm bảo về kỹ thuật và an toàn cho môi trường. Đây cũng sẽ là biện pháp có thể giải quyết được những nhược điểm của cát biển, ông Lê Trung Thành chia sẻ.
Để Bộ Giao thông vận tải có cơ sở tổng hợp đầy đủ các nội dung có liên quan báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, Vụ trưởng Lê Văn Dương đề nghị các cơ quan, đơn vị, chuyên gia, các nhà khoa học làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của đề xuất sử dụng cát biển dùng để đắp nền đường, san lấp, làm vữa xây dựng và bê tông: Các quy định, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến việc sử dụng cát biển dùng để đắp nền đường, san lấp, làm vữa xây dựng và bê tông; các vấn đề về môi trường khi khai thác và sử dụng cát biển; kinh nghiệm của thế giới khai thác hiệu quả cát biển dùng cho các công trình hạ tầng; các đề xuất kiến nghị cụ thể nhằm đảm bảo đầy đủ khung pháp lý, kỹ thuật, môi trường, bền vững để có thể áp dụng cát biển một cách rộng rãi, có hiệu quả kinh tế - kỹ thuật - môi trường.
VLXD.org (TH)