Ngày 3/7, HĐND Hà Nội đã đưa ra bàn thảo và thông qua Nghị quyết về một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà ở xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội.
Theo báo cáo của UBND Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.155 nhà chung cư cao 4 đến 6 tầng, 10 khu nhà cũ (1 đến 3 tầng) và các nhà thuộc diện vắng chủ, cải tạo, tập trung tại các quận nội thành với tổng diện tích khoảng 5 triệu m2; hầu hết các khu chung cư cũ ở vị trí 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) là khu vực hạn chế phát triển theo quy hoạch chung đã phê duyệt.
Các nhà cũ đa phần được xây dựng sau hòa bình lập lại (năm 1954) cao 1 đến 2 tầng để phân phối cho nhân dân lao động và cán bộ công nhân viên. Ngoài ra, còn có các nhà trong phạm vi các quận khi thực hiện chính sách cải tạo công thương nghiệp đã thu hồi để phân cho người dân thuê ở.
Theo đánh giá, hiện các khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu sử dụng. Thời gian qua, UBND Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho một số nhà đầu tư thực hiện công tác điều tra xã hội học, phổ biến chính sách đến cộng đồng dân cư, khảo sát hiện trạng… làm cơ sở đề xuất phương án quy hoạch cải tạo chi tiết 1/500 để thực hiện dự án. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn chậm, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo thống kê, đến nay, Hà Nội mới chỉ tập trung giải quyết các nhà chung cư cũ, nguy hiểm cấp D di dời để đảm bảo an toàn cho người sử dụng: B4, B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn, I1-2-3 Thành Công, C7, D6, D2 Giảng Võ, 148-150 phố Sơn Tây; trong 3 khu chung cư cũ thí điểm thực hiện cải tạo, mới xây dựng được 4/14 nhà tại Khu B Kim Liên và khởi công nhà A1, A2 Khu tập thể Nguyễn Công Trứ, còn khu Văn Chương chưa phê duyệt được quy hoạch.
Trước thực trạng trên, dự thảo nghị quyết đã đưa ra 4 hướng để từng bước xây dựng và cải tạo lại những chung cư cũ nát, những biệt thư cổ đang xuống cấp trên địa bàn thành phố.
Một trong những chung cư cũ của Hà Nội cần được cải tạo lại.
Cụ thể, Nghị quyết quy định, đối với các nhà cổ, nhà biệt thự cũ có giá trị đặc biệt và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, thành phố lập phương án di chuyển các tổ chức, cá nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức xây dựng, cải tạo, phục hồi, bảo trì theo quy định.
Nhà đầu tư tham gia thực hiện công tác xã hội hoá cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 được giao quỹ đất sạch tại các khu vực không thuộc 4 quận nội thành cũ để cân đối thực hiện dự án.
Ưu đãi đối với người dân trong phạm vi dự án: Khi di chuyển ra ngoài khu vực nhà cổ, nhà biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 để bảo tồn, tôn tạo thì được ưu tiên mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tại các dự án trên địa bàn thành phố.
Nếu chủ sở hữu tự phá dỡ những công trình thuộc khuôn viên nhà cổ, nhà biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 nhưng không thuộc kiến trúc ban đầu thì được áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành.
Việc cải tạo phục hồi, phá dỡ xây dựng công trình thuộc nhóm 1
Về cải tạo, phục hồi: Khi cải tạo, phục hồi, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ đúng vị trí, kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và quy hoạch của công trình (mật độ xây dựng và số tầng, độ cao); không làm thay đổi công năng, tính chất sử dụng ban đầu của công trình.
Đối với công trình có giá trị đặc biệt về kiến trúc, việc cải tạo, phục hồi phải được cơ quan chuyên ngành thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố kiểm tra, báo cáo Uỷ ban nhân dân chấp thuận.
Về phá dỡ công trình: Không được phá dỡ công trình thuộc nhóm 1; Trường hợp công trình bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, phải được cơ quan chuyên ngành thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố kiểm tra, cho phép phá dỡ, chủ sở hữu, quản lý công trình phải có dự án xây dựng, khôi phục lại theo kiến trúc ban đầu.
Việc cải tạo phục hồi, phá dỡ xây dựng công trình thuộc nhóm 2
Về cải tạo, phục hồi: Khi cải tạo, phục hồi lại công trình, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và tuân thủ quy hoạch (mật độ xây dựng, số tầng, độ cao);
Đối với công trình có giá trị về kiến trúc, việc xây dựng, cải tạo, trùng tu phải được cơ quan chuyên ngành thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố kiểm tra, báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố chấp thuận.
Về phá dỡ công trình: Không thực hiện phá dỡ công trình thuộc nhóm 2. Trường hợp công trình bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, ý kiến chấp thuận của Uỷ ban nhân dân Thành phố mới được phá dỡ; nhưng chủ sở hữu, quản lý công trình phải có dự án xây dựng, khôi phục lại theo kiến trúc ban đầu.
Việc cải tạo phục hồi, phá dỡ xây dựng công trình thuộc nhóm 3
Trường hợp công trình bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, ý kiến chấp thuận của Uỷ ban nhân dân thành phố mới được phá dỡ nhà biệt thự. Công trình xây dựng lại trên khuôn viên đất phải phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.
Theo: VnMedia