Đập Thủy điện Ia Krêl2 bị vỡ
Cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong đó trên 6.000 hồ chứa quy mô nhỏ. Tiêu chí an toàn của toàn bộ hệ thống này, đảm bảo môi trường, dân sinh - điều mà Chính phủ, các nhà khoa học, các đoàn thể quần chúng và người dân quan tâm nhất - chưa được coi trọng số 1 như yêu cầu. Điều này còn gây "oan trái”, chậm phê duyệt cho những công trình thủy điện khả thi, như thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm rìa phía Bắc khu Cát Lộc, cách VQG Cát Tiên khoảng 35 km qua một vùng đệm là huyện Cát Tiên.
Bộ Xây dựng thừa nhận chất lượng xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, có nguy cơ mất an toàn trong vận hành, khai thác. Nguyên nhân do chủ đầu tư các công trình là các doanh nghiệp tư nhân, tự tổ chức quản lý đầu tư và thi công xây dựng trong khi kinh nghiệm còn hạn chế. Năng lực của một số nhà thầu, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát… không đảm bảo.
Bằng chứng là những sự cố vỡ, tràn đập chưa thấy dấu hiệu ngừng. Cuối năm ngoái, đổ tường chắn bêtông khi tích nước ở Thủy điện Đăk Rông 3 (Quảng Trị) rồi đổ tường chắn khi thi công Thủy điện Đăk Mêk 3 (Kon Tum). Giữa năm nay, vỡ bể áp lực khi phát điện chạy thử thủy điện Ea Súp 3 (Đắk Lắk), vỡ đập khi tích nước Thủy điện Ia Krel. Sự cố miên man đến nỗi nhiều người nghe đến thủy điện là … dị ứng.
Tại hiện trường và hiện trạng đập Thủy điện Ia Krêl 2, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện đơn vị thi công một số hạng mục sai thiết kế. Cống dẫn dòng có 4 khớp nối đồng, ở đây không hề có. Mặt đập thượng lưu phải dùng đá xây vữa ximăng chống thấm, lại chỉ lát bằng đá xô bồ. Vì thế khi vỡ ống dẫn dòng do quá tải thì lõi đập sụt lún theo khiến nước thấm nhanh, thân đập vỡ chính tại vị trí ống dẫn dòng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long - Gia Lai đành rằng sai lè khi chọn đơn vị thi công yếu kém. Nhưng hệ thống quản lý, giám sát ở đâu?
Vụ vỡ đập Thủy điện Ia Krêl 2 và khoét sâu nỗi lo lắng trước thực trạng chủ đầu tư, nhà thầu, các các bộ, ngành chức năng đều không tôn trọng quy định pháp luật trong lập dự án, thẩm định, thi công, vận hành. Song "trái bóng trách nhiệm” thường bị đá lung tung mỗi khi các đoàn kiểm tra tiến hành mổ xẻ sự cố. Có vụ đổ tất cả là do... mưa lũ. Chưa thấy ai phải ra tòa vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng dù có vụ khắc phục hai năm mới xong, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Vấn đề hậu kiểm đang bị bỏ trống.
Hôm 27-6 vừa qua, tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, một số cử tri là ủy viên Ủy ban MTTQ TP. HCM đề nghị Quốc hội làm rõ việc cho phép triển khai tràn lan các dự án thủy điện. "Tôi về Quảng Nam, thấy ông già, bà lão ngồi khóc mà đau xót. Dân phải múc nước ở các bãi trâu đằm về lắng lọc để ăn uống, sinh hoạt vì hàng tỷ mét khối nước bị chặn trên thượng nguồn để làm thủy điện, sông suối cạn khô, nứt nẻ. Mùa mưa, thủy điện ồ ạt xả lũ, gây ngập nhà dân, ruộng vườn, ngang ngược đến thế là cùng. Ai quản lý, ai chống lưng để mấy ông thủy điện không coi dân ra gì?”- ông Đồng Văn Khiêm, Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh TPHCM nói.
Hai ngày trước đó, ngày 25-6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có văn bản 5132 yêu cầu các đơn vị khẩn trương kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn đập của các hồ thủy điện và thủy lợi bảo đảm an toàn mùa mưa bão năm 2013. Ngay sau đó Bộ Xây dựng ra văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố vào cuộc hoàn thành kiểm tra đánh giá các thủy điện nhỏ trong tháng 7 tới.
Thực ra từ cuối năm ngoái Chính phủ đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ quy hoạch thủy điện, kể cả với những dự án đang hoạt động, tiêu chí an toàn đặt lên trên hết. "Dù hiệu quả tới đâu mà không đáp ứng được yêu cầu này thì không làm”. Từng ấy Bộ ngành địa phương, Bộ Xây dựng, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên & Môi trường đã chứng kiến liên tiếp những sự cố của thủy điện và thủy lợi mấy năm qua. Vậy mà… sự cố cứ xảy ra mới tìm hướng khắc phục. Sẽ khó tránh khỏi những vụ vỡ đập tiếp theo.
"Hiện nay Chính phủ mình trao quyền quyết định đầu tư cho các địa phương quá lớn, mà quản lý nhà nước của các Bộ với các tỉnh còn lỏng lẻo, thành ra việc giám sát đơn vị thực hiện dự án cũng chưa tốt”, TS. Nguyễn Ngọc Anh nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam nhìn nhận.
Thủy điện đóng góp 41% tổng sản lượng điện cả nước. Riêng các công trình thủy điện lớn, vừa và nhỏ ở Tây Nguyên công suất 5.000MW bằng 1/3 tổng công suất hiện có của điện quốc gia. Song không thể cứ chặt rừng tràn lan cho thủy điện. Cũng không thể quy trách nhiệm chung chung mãi. Để xảy ra những vụ vỡ đập thủy điện gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân, cơ quan quản lý nhà nước thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý và chủ đầu tư làm sai trái đều phải bị xử lý nghiêm.
Trong nhiều bài học sau những cẩu thả, gian dối, vô trách nhiệm lần lượt phơi ra, có một vấn đề lâu nay bị coi nhẹ, là thiếu cơ chế để dân giám sát các công trình, không công khai minh bạch các thông tin liên quan trước và sau sự cố. Cách đền bù hoa màu nhà cửa bị nước cuốn thiệt hại cho người dân lâu nay nặng về hành chính trong khi có những mất mát không thể tính đếm được.
Nỗi lo sợ tiềm ẩn và thường trực, sự mất lòng tin vào chính quyền, các Bộ ngành chức năng và các nhà khoa học, tính sao đây? "Bom nước” đã gây họa không ít và trong khi chờ rà soát áp các loại "van an toàn” cho công trình thủy điện, thủy lợi, đừng để lòng tin của người dân thương tổn hơn.
Theo: daidoanket.vn