Cũng theo ông Thăng: “Nguồn vật liệu khai thác tại chỗ, ở địa phương thì được cung cấp, còn đưa chỗ khác đến thì lực lượng này không cho vào hoặc nếu vào mà muốn mua được lại phải nộp tiền”.
Chiều 1/7, chúng tôi đã liên hệ với một số địa phương để tìm hiểu rõ hơn những khó khăn mà Bộ trưởng Thăng đã đề cập tới trong phát biểu của mình.
Tại tỉnh Thanh Hóa, hiện đang thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh, tuy nhiên có một số đoạn cũng gặp phải vấn đề về tiến độ.
Tuy vậy, ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc chậm tiến độ chủ yếu do nguồn kinh phí thiếu, và chuyển về chậm.
“Nguồn vật liệu xây dựng thì Thanh Hóa không thiếu và nhiều đơn vị cung cấp chứ không phải chỉ một, hai đơn vị, nên nguồn cung vật liệu không phải là vấn đề lớn. Cũng không có tình trạng bảo kê hay cát cứ gì cả”, ông Kỳ khẳng định.
Về các doanh nghiệp khai thác vật liệu, theo ông Kỳ, sau khi có chủ trương của Chính phủ đã gần như cổ phần hóa gần hết, không còn là doanh nghiệp nhà nước nữa.
Cũng theo ông Kỳ, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh tới nay đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số đoạn ngắn.
“Đoạn qua tỉnh là dùng vốn ngân sách, Bộ GTVT là đại diện chủ đầu tư trực tiếp quản lý”, ông Kỳ cho biết thêm.
Với tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, địa diện UBND tỉnh Thái Nguyên cũng khẳng định, dự án xây dựng tuyến đường cao tốc này mọi việc đều thuận lợi, hầu như không có vấn đề gì. Đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, đang chuẩn bị thông xe kỹ thuật vào trung tuần tháng 7 này.
Nói về những nguyên nhân khiến các công trình giao thông chậm tiến độ, một lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận với chúng tôi chiều 1/7: “Chậm tiến độ thì có nhiều nguyên nhân khác nhau, đúng là vốn cũng là một yếu tố, thứ hai là giải phóng mặt bằng, đấy vẫn là nguyên nhân “cổ truyền” từ ngày xưa tới giờ”.
“Thứ nữa là năng lực nhà thầu, hiện nay đang đốc thúc năng lực nhà thầu thực hiện thì cũng có cải thiện đáng kể. Nhưng vấn đề giải phóng mặt bằng và vốn là khó khăn thật, nhiều dự án vốn cấp không đủ”, vị lãnh đạo này nói thêm.
Nhưng khi đề cập tới nguyên nhân tới từ nguồn cung vật liệu, vị lãnh đạo này từ chối bình luận, vì “tôi cũng không nắm rõ lắm”.
Về việc có hay không hiện tượng cản trở các đơn vị thi công đưa vật liệu từ địa phương khác tới phục vụ thi công cầu đường, theo vị lãnh đạo này, nguồn cung vật liệu còn phụ thuộc quy luật thị trường, giá cả, chất lượng… việc chở vật liệu từ địa phương khác tới cũng ít khả thi, vì chở xa sẽ tốn chi phí vận chuyển, giá cả sẽ đắt hơn, nên khó cạnh tranh được với nguồn vật liệu tại chỗ.
Tuy nhiên, theo vị này, có một thực tế, do đòi hỏi của kinh tế thị trường nguồn mỏ vật liệu đã được địa phương cấp phép cho các đơn vị, cá nhân khác nhau trên địa bàn khai thác, khi xây dựng các công trình giao thông các đơn vị xây dựng công trình khó tiếp cận được nguồn nguyên liệu để tự khai thác. Để có nguồn vật liệu buộc phải mua lại từ các đơn vị đang khai thác tại địa phương, nên việc kiểm soát chất lượng vật liệu cũng khó hơn.
“Trước đây các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông vào tới tận các khu mỏ để tự khai thác, nên kiểm soát được từ đầu tới cuối chất lượng vật liệu, còn giờ thì phải mua lại của các doanh nghiệp địa phương. Dù tất cả nguyên liệu đầu vào đểu phải kiểm soát hết, nhưng sẽ khó hơn”, vị lãnh đạo Bộ GTVT trình bày thêm.
Dù tại công trường có Tư vấn giám sát, nhà thầu, đại diện chủ đầu tư, thanh tra… nhưng theo ông này, không phải lúc nào, xe nào cũng thí nghiệm được, vì thí nghiệm cũng chỉ là xác suất.
“Tại nhiều dự án phát hiện nguồn vật liệu không đảm bảo phải loại, đổ đi nhiều. Nếu thấy vật liệu có nghi vấn, xét nghiệm lại mà thấy không đảm bảo thì yêu cầu đổ khỏi công trường”, vị lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.
Theo: phunutoday.vn