Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Kinh doanh - Đầu tư

Thị trường hàng hóa tuần từ 11 – 17/4/2011

17/04/2011 - 10:19 SA

Giá vàng thế giới, cà phê và hồ tiêu trong nước lập kỷ lục; Giá đường, cao su và kim loai cơ bản giảm; Giá gạo xuất khẩu và giá sữa nhập khẩu tăng...
Vàng

- Giá vàng thế giới lập kỷ lục 1.489,10 USD/ounce do lạm phát ở Trung Quốc, châu Âu và đồng USD mất giá nhất trong 16 tháng. Trong 5 phiên giao dịch thì vàng có 3 phiên lập kỷ lục. Tính chung cả tuần, vàng tăng giá 0,8%.

- Giá vàng trong nước chỉ biến động nhẹ cho dù giá thế giới tăng mạnh và lập kỷ lục. Giá trong nước đang thấp hơn khoảng 500 nghìn đồng so với giá thế giới bởi sức mua chậm và tâm lý lo sợ sẽ cấm giao dịch vàng miếng trên thị trường tự do.

Xăng dầu

- Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu tình hình thực tế trên thế giới và năng lực của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu trong nước để xem xét, đề xuất lộ trình nâng số ngày nhu cầu dự trữ lên khoảng 40 ngày.

- Bộ Tài chính dự kiến ấn định chi phí kinh doanh định mức vùng 1 (gồm các địa phương gần cảng nhập khẩu và gần nhà máy chế biến xăng, dầu trong nước) ở mức 500-860 đồng/lít (tăng 100-260 đồng/lít so với hiện tại).

Thép

- Ngày 13/4, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 1556/TCHQ-GSQL chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu thép. Động thái này được đưa ra sau khi Hiệp hội thép Việt Nam có phản ánh về việc thép loại phi 6 và phi 8 đang được nhập khẩu ồ ạt vào thị trường phía Nam Việt Nam, chủ yếu là thép có chứa nguyên tố hợp kim vi lượng Bo-ron (Bo) để hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%.

- Giá thép phế liệu và phôi thép thế giới đồng loạt giảm do nhu cầu không theo kịp nguồn cung. Đây là dấu hiệu tốt với ngành thép trong nước vì giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng giảm.

 Sữa

- Giá sữa nhập khẩu, chủ yếu nhập của Nhật Bản, tiêp tục tăng giá khoảng 5 – 10% kể từ ngày 15/4, bởi lo sợ rò rỉ phóng xạ tại Nhật sẽ khiến Việt Nam hạn chế nhập khẩu sữa từ nước này, gây nên tình trạng khan hiếm nên đổ xô đi mua tích trữ.

- Bắt đầu thanh tra thuế và giá 7 mặt hàng nhạy cảm bao gồm, sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, đường ăn, thức ăn chăn nuôi gia súc, thép xây dựng, xi măng, phân bón hóa học, khí hóa lỏng.

- Qua rà soát tình hình nhập khẩu sữa Trung Quốc vào Việt Nam cho thấy, từ 1.1.2011 đến nay, Cục ATVSTP chưa cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cho sữa nguyên liệu, sản phẩm sữa nhập từ Trung Quốc.

Dược phẩm

- Chương trình bình ổn giá thuốc tại Tp. Hồ Chí Minh được triển khai đồng loạt trên 24 quận huyện với khoảng 600 điểm bán là các nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc tư nhân, nhà thuốc của các doanh nghiệp. Các sản phẩm thuốc bình ổn giá được sản xuất trong nước gồm thuốc giảm đau, thuốc ho, thuốc tim mạch, chống dị ứng, thuốc trị tiểu đường, thuốc kháng sinh...

Gạo

- Giá gạo 25% tấm xuất khẩu của nước ta tăng 6,6% trong tuần này bởi các doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh bốc xếp hàng cho các hợp đồng đã ký.

- Indonesia tái áp thuế nhập khẩu gạo 52 USD/tấn sau 4 tháng tạm hoãn kể từ tháng 12 năm ngoái nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu tràn vào mạnh trong thời điểm chuẩn bị vụ thu hoạch có thể làm hạ giá trong nước.
- Các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) đã đồng ý thiết lập kho gạo dự trữ 720.000 tấn trong năm nay nhằm đối phó với tác động của giá lương thực tăng cao. Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp này sẽ thực hiện từ tháng 10 năm nay.
- Thái Lan có thể từ bỏ vị trí xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới do áp lực lớn bởi giá thấp, sự tấn công của sâu bọ, và cạnh tranh từ các đối thủ mới nổi như Campuchia, Myanmar...

 Cao su, đường

- Giá cao su châu Á giảm 6% trong tuần này – tuần giảm mạnh nhất trong hơn 1 tháng do Toyota thông báo sẽ ngưng sản xuất tại 5 nhà máy ở châu Âu do thiếu phụ tùng. Khả năng thắt chặt tín dụng hơn nữa ở Trung Quốc cũng làm tăng nỗi lo nhu cầu.

- Giá đường thô thế giới thấp nhất kể từ tháng 5/2010 bởi khả năng Braxin và Thái Lan sẽ có vụ mùa mía bội thu.

 Cà phê
- Giá cà phê trong nước lập kỷ lục ở 49,1 triệu đồng/tấn do giá thế giới tăng mạnh.

- Giá cà phê arabica tăng mạnh lên mức cao nhất của 5 tuần bởi nỗi lo nguồn cung suy yếu và đồng USD mất giá.

- Giá cà phê Indonesia vượt giá thế giới lần đầu tiên trong 10 tháng vì cung yếu. Giá cà phê Việt Nam trong khi đó vẫn ở mức trừ lùi 100 USD/tấn so với giá  kỳ hạn tháng 7 tại London.

- Tổ chức Cà phê Quốc tế cho rằng Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ cà phê nhanh nhất thế giới, với 31% trong năm 2010.

 Hồ tiêu

- Giá hồ tiêu trong nước đạt kỷ lục vì nhu cầu mua vào mạnh mẽ của các thương lái trong bối cảnh thế giới thiếu hồ tiêu. Tiêu đen loại xô tuần này đã lên tới 130 nghìn đồng/kg hôm 15/4, nhưng đến cuối tuần đã hạ nhiệt.

 Hàng hóa khác

- Giá giấy trong nước tăng 5% do chi phí nguyên liệu đầu vào gia tăng.

- Chỉ số vận tải biển quốc tế BDI giảm 13 phiên liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 2 do giao thương quốc tế giảm trong bối cảnh giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Nguồn cung tàu thủy tăng vượt cầu cũng làm chỉ số mất điểm.

- Giá đồng giảm 5 phiên liên tiếp – chuỗi giảm mạnh nhất trong hơn 1 tháng do lạm phát ở Trung Quốc có thể khiến chính phủ nước này tăng cường thắt chặt tín dụng và kìm hãm nhu cầu. Tuần này đồng giảm giá 5,4%.

- Giá bạc leo lên sát 44 USD/ounce, tăng 4,6% trong cả tuần, bởi sức hút trong vai trò là công cụ đầu tư an toàn.

TL-Theo Cafe

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng