So với các kỳ trước, Vietbuild lần này ngoài chất “chợ” vốn có, đã có thêm chất “triển lãm”. Mang đến Vietbuild sản phẩm sơn Ecocem - dòng sơn gốc xi măng, polyme khác với các loại sơn nước hiện nay đang có mặt trên thị trường, ông Lê Minh Phú, Giám đốc Công ty Cánh buồm đỏ cho biết, sau gần 2 năm nghiên cứu, Công ty đã quyết định tung dòng sản phẩm sơn Ecocem ra thị trường và kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh khoảng 15% thị phần (theo số liệu thống kê thì mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 2.000 tỷ đồng tiền sơn).
Điểm khác biệt lớn nhất giữa sơn xi măng và sơn nước, là sơn nước thường đòi hỏi bề mặt khắc nghiệt, chỉ thi công được lúc trời không mưa, không nồm, trong khi sơn xi măng dễ dàng thi công trên bề mặt tường còn ẩm ướt. Hơn nữa, giá thành sơn xi măng rẻ hơn sơn nước thông dụng khoảng 30 - 40%.
Dù không phải “một mình một chợ”, bởi hiện nay, loại sơn xi măng của Thái Lan với thương hiệu Crocodile cũng đã có mặt tại thị trường Việt Nam, nhưng ông Phú tin rằng, sản phẩm “Made in Việt Nam” của Công ty đủ sức cạnh tranh. Với kinh nghiệm 20 năm làm nhà thầu xây dựng, ông Phú tự tin, doanh thu từ sản phẩm Ecocem khi được tung ra thị trường (dự kiến trong năm 2014) sẽ đạt khoảng 300 tỷ đồng. Kỳ vọng này là có cơ sở khi nhu cầu về dòng sản phẩm này ở các nước trong khu vực đang tăng lên. Thêm vào đó, khủng hoảng kinh tế làm các nhà thầu, các chủ đầu tư luôn đặt ưu tiên cho những sản phẩm thân thiện môi trường, giá thấp, dễ thi công để giảm giá thành xây dựng.
Mạnh tay đầu tư dòng sản phẩm giá thấp, suất đầu tư thấp để tăng lợi thế cạnh tranh, TS. Hà Lê, Chủ tịch Hội VLXD Nghệ An mang đến triển lãm sản phẩm xi măng “Xanh” là hỗn hợp polyme vô cơ - silicat có mác tương đương xi măng PCB 25 - 30 - 40 và xi măng trắng có chất lượng tương đương, độ trắng đạt 75%.
Ông Lê cho biết, sản phẩm đã được Công ty Xây dựng và thương mại Mai Linh sản xuất và cung cấp ra thị trường TP. Vinh hơn 500 tấn xi măng PCB 30 cùng với ngói màu, gạch terrazzo, gạch block các loại. Tuy nhiên, điều mà ông Lê và các cộng sự muốn giới thiệu không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà còn là dây chuyền sản xuất của dòng sản phẩm này. Với suất đầu tư cho dây chuyền 20.000 tấn xi măng/năm vào khoảng 2,5 tỷ đồng, thì vốn đầu tư cho một nhà máy có công suất khoảng 2 triệu tấn/năm là khoảng 250 tỷ đồng (chỉ chưa bằng 10% mức đầu tư một dây chuyền xi măng lò quay có công suất tương tự). Hơn nữa, nếu dây chuyền xi măng lò quay thường phải có vùng nguyên liệu là đá vôi, thì dây chuyền này có nguyên liệu chủ đạo là đất đồi, đá bazan, đất sét, tro trấu, tro bay và các phế thải công nghiệp khác. Vì thế, dễ cho đầu tư và sử dụng nguyên liệu ở các vùng miền núi xa xôi, sản xuất phục vụ tại chỗ, giảm chi phí vận chuyển.
Tại triển lãm, Công ty TNHH Boral Gypsum Việt Nam mang đến sản phẩm tấm thạch cao tổng hợp từ khí thải SO2 cho nhà ở và công trình. Với ứng dụng này, theo tính toán sơ bộ, mỗi năm sẽ tiết kiệm khoảng 1 triệu m2 diện tích đất dùng để chôn lấp 2, 3 triệu tấn rác thải. Tiết kệm chi phí chôn lấp trở thành nguồn lợi kinh tế là triển vọng của dòng sản phẩm này. Gypsum hy vọng, sẽ thay thế hơn 1 triệu tấn thạch cao thiên nhiên nhập khẩu mỗi năm. Hiện thạch cao thiên nhiên chiếm 50% nguyên liệu chính cho ngành sản xuất tấm thạch cao và 46% phụ gia cho ngành sản xuất xi măng (chiếm 4% trọng lượng xi măng).
TS. Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam nhận định, nguyên nhân khiến bức tranh ảm đạm của ngành VLXD Việt Nam hiện nay ngoài nguyên nhân khách quan, còn do ngành công nghiệp VLXD chưa đi đúng hướng. Sắp tới, các doanh nghiệp cần hướng vào phát triển bền vững, phải triệt để sử dụng chất thải công nghiệp, chất thải dân dụng để làm nhiên liệu, nguyên liệu sản xuất VLXD, tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái vì lợi ích của doanh nghiệp và cộng đồng.
Trên thế giới, vật liệu thân thiện môi trường đã được sử dụng từ lâu, nhưng với Việt Nam còn rất mới lạ. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quan, vật liệu mới thân thiện môi trường, giá rẻ đang dần được chấp nhận tại thị trường luôn chuộng vật liệu truyền thống như ở Việt Nam.
Theo ĐTCK