Vật liệu xây dựng thô đang giảm nhẹ.
Vật liệu thô giảm nhẹ
Tính theo thời gian thì mùa xây dựng thường chia thành hai giai đoạn trong năm, phụ thuộc vào thời tiết và một số tập quán khác. Cụ thể từ đầu năm, do ảnh hưởng của mưa nồm và văn hóa “ăn chơi” của tháng Giêng nên các công trình được khởi động rộ sau tiết Thanh minh, kéo dài đến mùa hạ. Tương tự qua hết tháng Ngâu với nhiều kiêng kỵ, cũng là lúc những trận mưa lớn kết thúc sẽ khởi đầu cho mùa xây dựng cuối năm. Tuy nhiên chu kỳ này ngày càng mang tính ước lệ, chủ yếu cho những công trình dân sinh, còn những công trình lớn với thiết bị thi công tiên tiến thì cơ bản ít bị ảnh hưởng bới những yếu tố này.
Mặc dù vậy, theo một chủ thầu xây dựng ở quận Ngô Quyền, hiện những công trình lớn thường được chia thành nhiều gói thầu, bao gồm cả cung ứng vật tư và thi công nên trúng thầu thường là các doanh nghiệp, thậm chí nhiều doanh nghiệp không nằm trên địa bàn Hải Phòng. Vì lý do này, thị trường bán lẻ vật liệu xây dựng của Hải Phòng vẫn trông chờ nhiều vào các công trình dân sinh như xây nhà ở hay sửa chữa nhỏ. Ông V. – một chủ thầu xây dựng khác ở quận Lê Chân chia sẻ, kể từ khi thị trường bất động sản bị “vỡ trận” năm 2011, khoảng 3 năm trở lại đây nghề xây dựng trên địa bàn thành phố đã có khởi sắc.
Ông V. cho biết thêm, thời tiết dịp cuối năm 2019 vừa qua khá đẹp cho xây dựng, cũng là lúc các chủ thầu tập trung hoàn thiện nhà kinh doanh, nhiều gia đình xây cất mới và sửa sang nhà cửa, tu bổ lăng mộ tổ tiên. Thông thường “nước nổi, bèo nổi”, thị trường vật liệu cũng sôi động theo, nên trước tết Nguyên đán Kỷ Hợi thị trường vật liệu thành phố đã xuất hiện cơn sốt cục bộ. Trong đó tăng giá mạnh nhất là sắt thép và gạch, thậm chí đã có lúc cháy hàng, tuy nhiên qua tết, nhịp độ đã chững lại phần vì nhiều công trình đã hoàn thành, phần vì thời tiết nồm ẩm rất khó cho thi công. Mặt khác, dù giá tăng nhưng chưa mặt hàng nào thuộc nhóm vật liệu xây dựng đạt được đỉnh giá của thời điểm cách đây 8 năm, trước khi thị trường bất động sản bị đóng băng.
Thị trường bán lẻ khó chen chân vào các công trình lớn?
Khảo sát tại một số đầu mối kinh doanh vật liệu xây dựng thô trên thị trường, giá bán lẻ cát xây hiện từ 280.000 - 300.000 đồng/m
3, cát trát bình quân khoảng 340.000 đồng/m
3, cát san lấp 120.000 đồng/m
3, gạch xây đẹp 1.200 đồng/viên, gạch tạp 1.000 đồng/viên, xi măng dao động trong khoảng 1,4 triệu đồng/tấn… hầu hết đều giảm so với trước tết. Như vậy với mức giá này thì vật liệu thô cũng không có nhiều thay đổi gì so với cùng kỳ năm trước, một số mặt hàng còn giảm ở mức nhẹ.
Khi hỏi về dự báo nhu cầu mùa xây dựng đầu năm nay, ông T. – một chủ bãi vật liệu ở quận Dương Kinh bày tỏ lo ngại: “Chưa thấy nhiều khả quan, lo nhất là giá xăng dầu tăng thì tiền vận chuyển tăng theo, nhận thầu vật liệu thô mà chi phí vận chuyển tăng là khổ…”. Cũng theo ông T., thì từ nay đến khi mùa mưa lớn bắt đầu, lượng nước ở các sông thượng nguồn vẫn cạn, sẽ gặp khó cho vận chuyển các loại vật liệu thô, nếu hàng không bán được thì ngành doanh thu từ kinh doanh vật liệu thô chắc chắn sẽ không được cải thiện.
Vật liệu phụ trợ cũng thắc thỏm
Trong khi nhóm vật liệu thô còn đang ở tình trạng như đã nêu trên, thì phân khúc các sản phẩm phục vụ xây dựng khác cũng chưa có nhiều khởi sắc. Đáng nói là, khi xã hội ngày càng văn minh, nhu cầu “ở bền - ở đẹp - ở thoải mái” tăng cao, thì vật liệu xây dựng không còn đơn thuần chỉ là dạng thô nữa, mà nó bao gồm cả chuỗi hàng hóa khác như vật liệu trang trí nội, ngoại thất, phong thủy, cụ thể là sơn, gốm sứ, gỗ, kính, nhựa, cáp và thiết bị điện…
Tại một đại lý bán sơn tường ở đường Ngô Gia Tự, nhân viên bán hàng cho biết, giá sơn so với năm trước tăng khoảng 5% nhưng tăng hay giảm đều khó bán tại thời điểm này. Bởi lẽ việc thi công sơn trên tường đòi hỏi thời tiết phải hoàn hảo, nếu gặp mưa nồm thì hoặc không thể thi công, hoặc thi công được cũng không đảm bảo chất lượng. Hiện nay trên địa bàn thành phố có rất nhiều thương hiệu cũng như chủng loại sơn xây dựng, trong đó một số loại được cho là tiêu thụ tốt hơn là Dulux, Expo, Alex… Một số thương hiệu rẻ tiền khác chỉ phù hợp với dạng nhà kinh doanh, còn hầu như các công trình dân sinh đều dùng loại trung bình trở lên. Về giá, bao gồm cả vật liệu và nhân công cho sơn nội thất thất từ 30.000 - 50.000 đồng/m
2, cho ngoại thất từ 45.000 - 70.000 đồng/m
2 tùy theo chất lượng sơn.
Trên các tuyến đường Tô Hiệu, Hồ Sen, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Gia Tự… nơi tập trung cung cấp nội thất xây dựng lớn của thành phố, giá một số mặt hàng đã bắt đầu nhúc nhích tăng, nhưng vẫn ở dạng thiếu ổn định. Bởi theo ông N.-Giám đốc một Công ty kinh doanh nội thất, thì nguyên nhân do chi phí vận chuyển gần đây tăng theo giá xăng dầu, cùng với một số mặt hàng nhập khẩu tăng do tỷ giá ngoại tệ, còn so với giá bán ra, lợi nhuận của những nhà phân phối chẳng tăng được bao nhiêu. Cũng theo ông N. thì thời điểm này việc kinh doanh chẳng qua cũng chỉ cần đạt được mấy tiêu chí: lãi suất ngân hàng, chi phí bán hàng và vận chuyển…
Tương tự, tâm trạng chung của nhiều chủ hàng bán đồ gỗ, đồ phong thủy, đồ điện cũng như vậy. Như bộc bạch của một chủ cửa hàng gỗ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, do nhu cầu của khách hàng nên trong quá trình thi công, các loại cửa, đồ nội thất thường được để mộc cho khách xem mặt gỗ, ngã giá rồi mới trang trí. Vào thời điểm này, dù độ nồm ẩm không tệ hại như những năm trước, nhưng nhiều khách hàng vẫn chưa lấy hàng vì lo chất lượng sơn. Còn ông K. chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên cung cấp vật liệu điện nước thì bày tỏ: “Nghề xây èo ọt thì nghề điện nước cũng đói theo, đấy là lẽ đương nhiên”.
Đánh giá về thị trường vật liệu xây dựng thành phố hiện nay, một số người có kinh nghiệp cho rằng, tác động tiêu cực cơ bản do yếu tố thời tiết, còn những tác động khác không đáng kể. Qua hết đợt mưa phùn gió nồm, nhiều công trình dang dở sẽ tái khởi động, như vậy thị trường vật liệu xây dựng chỉ còn phải chờ đợi, chứ không đến mức ảm đạm trong “thì tương lai”?
VLXD.org (TH/ ANHP)