Chính phủ quyết liệt trong việc giải ngân đầu tư công làm động lực cho tăng trưởng kinh tế, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai sẽ là động lực tăng trưởng cho ngành Vật liệu xây dựng.
Đánh giá về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, tính từ đầu năm đến 31/10 giải ngân đầu công đạt hơn 430.600 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm 2023 và 56,8% kế hoạch Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm ngoái, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay chỉ tiến triển nhẹ. Cùng kỳ 2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt 46,44% kế hoạch và đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng giao.
Theo các chuyên gia nhận định, ngành Xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi lớn nhất với những dự án đầu tư công lớn đã và đang triển khai như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, tàu cao tốc Bắc - Nam và đặc biệt là mở rộng xây dựng, hoàn thiện các đường Vành đai tại các tỉnh phía Nam sẽ giúp các doanh nghiệp ngành này được hưởng lợi lớn trực tiếp trong các năm tới.
Ngành Xi măng, trong năm 2024 dự kiến sẽ hồi phục, nhưng khá chậm do nhu cầu xi măng cho hoạt động xây dựng nhà ở là phân khúc tiêu thụ chính, chiếm khoảng 52% tiêu thụ xi măng ở Việt Nam và có triển vọng phụ thuộc vào yếu tố nhân khẩu học như tăng trưởng dân số, thu nhập bình quân đầu người, đồng thời chịu tác động đáng kể của các chính sách quản lý của Chính phủ trên thị trường bất động sản bao gồm các chính sách về tín dụng và cấp phép xây dựng.
Ngoài ra, các yếu tố hỗ trợ gồm: Giá nguyện liệu: than (chiếm 40% chi phí sản xuất) gần đây đã giảm và ổn định. Kinh tế Trung Quốc khả quan giúp khôi phục thị trường xuất khẩu. Tồn kho xi măng hiện tại đã giảm nhiều so với đầu năm do vậy sẽ không xảy ra tình trạng thừa cung giá giảm mạnh như trong năm 2022.
Ngành Thép kỳ vọng sang năm 2024 giá thép phục hồi nhờ nhu cầu trong nước cải thiện hơn so với năm 2023 và tồn kho các doanh nghiệp thép hiện nay đang thấp. Biên lợi nhuận các doanh nghiệp thép cũng sẽ được cải thiện đáng kể khi mặt bằng lãi suất thấp và ổn định. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không mạnh mẽ như giai đoạn trước nếu không có các yếu tố bất ngờ như chiến tranh hay các sự kiện không lường trước.
Đối với ngành Đá xây dựng, các doanh nghiệp sở hữu mỏ đá gần các dự án đầu tư công sẽ hưởng lợi, bởi nhu cầu sử dụng đá xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công là rất lớn. Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu về đá xây dựng cho các công trình hạ tầng trong giai đoạn 2023 - 2025 rơi vào khoảng 21,5 triệu m³ ( tăng 38% so với giai đoạn 2016 - 2021). Trong đó, nhu cầu đá cho các dự án lớn như sân bay Long Thành là 2,05 triệu m³; đường Vành đai 3 là 5,2 triệu m³. Nguồn cung đá xây dựng có cơ chế riêng đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Kỳ vọng nhu cầu tăng cao trong quý IV/2023 và 2024 khi đẩy mạnh đầu tư công và ngành Bất động sản dần phục hồi. Tuy nhiên, khai thác đá vẫn đối mặt với rủi ro, do vấn đề ô nhiễm môi trường nên các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc gia hạn hay xin cấp phép khai thác mới cùng với thuế môi trường có khả năng tăng lên trong thời gian tới.
VLXD.org (TH/ DĐDN)
Ý kiến của bạn