Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Kinh doanh - Đầu tư

Nhiều dự án đứng ngồi không yên vì giá cát lại tăng chóng mặt

28/12/2021 - 01:29 CH

Giá cát san lấp, xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng mạnh, khiến doanh nghiệp xây dựng khốn khổ, còn chủ vật liệu xây dựng cũng không mua được cát để cung cấp cho khách hàng.

Giá cát tăng nhưng “né” với giá thực tế bán khiến nhiều dự án khó khăn. Trong ảnh: tại một dự án ở TP. Thủ Đức, TP.HCM.

Nhiều công ty, đơn vị trúng thầu đang thi công công trình, dự án "đứng ngồi không yên" và chưa rõ nguyên nhân vì sao giá cát tăng.

Doanh nghiệp xây dựng "khóc ròng"

Theo ghi nhận, dọc các tuyến đường tập trung những vựa cát san lấp, cát xây dựng lớn nhất TP. Cần Thơ nằm trên tuyến quốc lộ 91 hầu hết đều trong tình trạng hết hàng. Ngoài ra, nhiều công trình, nhà ở của người dân đã được xây bó nền từ lâu nhưng vẫn chưa thể san lấp vì... thiếu cát.

Tại TP. Cần Thơ cũng như trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giá cát bán tại các vựa vật liệu xây dựng đã tăng phi mã. Giá cát lấp (loại tốt) các doanh nghiệp bán ra tại bãi từ 180.000 - 200.000 đồng/m³, cát xây tô 280.000 đồng/m³, cát đổ bê tông tới 320.000 đồng/m³.

Cận Tết, nhu cầu sửa nhà, xây nhà, các công trình đang đẩy nhanh tiến độ nên giá cát xây dựng và cát san lấp mặt bằng chưa có dấu hiệu dừng lại, vẫn tăng từng ngày.

Anh Nguyễn Ngọc Đức, Giám đốc một công ty xây dựng ở TP Cần Thơ cho biết thời điểm trúng thầu, giá cát chỉ trên dưới 100.000 đồng/m³. Do vướng khâu giải phóng mặt bằng dẫn đến bị chậm, đến khi thi công giá cát đã lên gần 300.000 đồng/m³. Thậm chí có thời điểm giá cát xây dựng tăng hơn 500.000 đồng/m³, khiến doanh nghiệp lỗ nặng, anh Đức than.

Còn ông N.V.T., Giám đốc công ty chuyên xây dựng cầu, đường ở An Giang cho biết giá cát san lấp hay xây dựng đang tăng chóng mặt khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng cầu đường như ông gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn tất dự án để quyết toán vào giai đoạn cuối năm.

Giá cát đã tăng trở lại gần 1 tuần nay sau khi nhiều tỉnh thành miền Tây chuyển sang trạng thái mở cửa thích ứng linh hoạt. Ông T. mua cát tại khu vực mỏ cát sông Tiền với giá 140.000 đồng/m³ để làm các công trình, cầu đường của tỉnh An Giang. Một số công trình đã hoàn thành đến 99% nhưng chưa thể làm xong vì thiếu cát.

Bây giờ cát tăng mạnh, không thể mua trực tiếp tại mỏ cát được mà phải thông qua trung gian. Tôi mua cát ở khu vực sông Tiền của một công ty có giá 140.000 đồng/m³ được xuất hóa đơn cho mình luôn, còn mua tại mỏ cát họ chỉ xuất hóa đơn 80.000 đồng/m³. Giá cát tăng kiểu này các doanh nghiệp xây dựng không thể nào lời nổi. Trừ khi kiếm lời thông qua các giải pháp khác tiết kiệm chi phí thôi, ông T. tiết lộ.

Mỏ cát "né" thuế

Ông P, ngụ TP Long Xuyên cho biết ông được cấp phép khai thác hai mỏ cát trên sông Hậu ở huyện Châu Thành và huyện Châu Phú (An Giang) với trữ lượng khai thác khoảng 1.500 m³/ngày. Giá cát ông bán ra cho doanh nghiệp dao động từ 90.000 - 100.000 đồng/m³. Đây là giá ông bán gốc cho một số doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp này bán lại cho các doanh nghiệp khác.

Giá có tăng từ 40.000 - 60.000 đồng/m³. Chúng tôi cũng mừng nhưng không vội bán, mà đợi thêm thời gian nữa có tăng không. Nếu bây giờ mà bán ồ ạt, sắp tới giá cát tăng sẽ không còn cát để bán, hoặc khai thác nhiều quá hết trữ lượng sẽ bị đóng mỏ. Dù bán giá cao, chúng tôi vẫn xuất hóa đơn giá trị gia tăng chỉ có 80.000 đồng/m³ theo đúng quy định, ông P. xác nhận.

Đại diện Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang cho biết toàn tỉnh có 10 mỏ cát đang được 9 doanh nghiệp khai thác cát trên sông Tiền và sông Hậu, với tổng sản lượng khai thác khoảng 1,6 triệu khối. Các doanh nghiệp khai thác cát "né" giá thực tế bán, vị này nói.

Ông Trần Văn Phước, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh An Giang thừa nhận, hiện nay có nhiều doanh nghiệp khai thác cát bán với giá cao hơn so với giá ghi trên hóa đơn. Chúng tôi biết việc này và đang phối hợp tích cực với ngành công an để kiểm tra hóa đơn các doanh nghiệp khai thác cát, nhất là hóa đơn đầu vào, đầu ra để làm quyết liệt, tránh thất thu.

Hướng tới sử dụng cát nhiễm mặn

Trao đổi với ông Lại Hồng Thanh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng cát xây dựng ở khu vực phía Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long luôn thiếu. Khu vực này cát sạch, cát vàng như miền Bắc là rất ít bởi phần lớn là cát lẫn bùn, cát phù sa chỉ dùng để san lấp.

Theo quy hoạch mà Bộ Xây dựng triển khai, cát ở Việt Nam những năm tới vẫn thiếu. Nghị định 23 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/4/2020 đã khuyến khích, thăm dò, đánh giá khoáng sản để sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên, ông Thanh nói và nhấn mạnh cát tự nhiên càng ngày cạn dần.

Những năm trước chúng ta đã chủ động nhập từ Campuchia, nhưng thời gian gần đây tổng sản lượng nhập đã ít lại. Tương lai sẽ tiếp tục hướng đến nghiên cứu, đưa công nghệ vào xử lý mặn để sử dụng cát cửa sông, cửa biển, tăng cường thăm dò một số loại khoáng sản đá để khai thác, nghiền nhỏ làm cát nhân tạo bù cho lượng cát còn thiếu hiện nay...

Về trách nhiệm quản lý tài nguyên cát, bình ổn giá tại các địa phương, ông Thanh cho hay theo quy định hiện hành, 100% thẩm quyền thuộc về UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

VLXD.org (TH/ TTO)
 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng