Trong khi đó, Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) dự báo nhu cầu thép ở ASEAN, bao gồm 5 nước là Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan đạt 76,1 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 6,1% lên 80,8 triệu tấn vào năm 2023.
Việc triển khai các dự án hạ tầng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép trong khu vực ASEAN.
Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng năm 2022 dự kiến tăng 8,5% so với năm 2021. Nguyên nhân là do Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm.
Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thép của Việt Nam giai đoạn đến 2030 có thể đạt tới 310 tỉ USD. Trong đó nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là 120 tỉ USD; cơ khí xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỉ USD; giao thông đường sắt là 35 tỉ USD, tàu điện ngầm là 10 tỉ USD và ôtô là 120 tỉ USD.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng thép xây dựng của Việt Nam đạt gần 5,7 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép xây dựng đạt 5,5 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó sản lượng xuất khẩu khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 65%, chiếm 20% tổng lượng bán hàng.
Trong khi đó, Viện Sắt thép Thái Lan cho biết, nhờ các hoạt động kinh tế được phục hồi, tiêu thụ thép thành phẩm của Thái Lan trong năm 2022 và 2023 sẽ tăng lần lượt 3,7% và 3,5% lên 19,9 triệu tấn và 20,3 triệu tấn.
Tương tự với Indonesia, quốc gia này dự kiến sản lượng tiêu thụ thép sẽ tăng 5% lên 16,3 triệu tấn vào năm 2022. Tới năm 2023, tiêu thụ thép đạt 17,3 triệu tấn, tăng 6,1%. Bên cạnh đó, tiêu thụ thép của Singapore cũng sẽ tăng 11% lên 2,5 triệu tấn vào năm 2022 và 4% lên 2,6 triệu tấn vào năm 2023.
Được hưởng lợi từ các dự án hạ tầng, lượng tiêu thụ thép của Malaysia dự kiến đạt 7,8 triệu tấn, tăng 11% trong năm 2022 và tăng 9% lên 8,5 triệu tấn vào năm 2023.
VLXD.org (TH/ CafeLand)