Dù là một trong những tỉnh có trữ lượng cát lớn nhất cả nước, tuy nhiên, ít mỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được cấp phép, nhiều doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát đã tăng gấp hàng trăm lần so với giá khởi điểm, nên buộc phải bán giá cao.
Hiện giá cát tại Quảng Ngãi khi được chở đến công trình, dao động từ 450.000 - 500.000 đồng/m³, riêng huyện đảo Lý Sơn 600.000 đồng/m³. Giá cát tăng, khiến các doanh nghiệp trúng thầu dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư từ các năm trước phải chịu thiệt hại tiền tỉ vì giá cát thực tế tăng vọt so với dự toán (giá dự toán khoảng 180.000 đồng/m³). Phần tăng này, các nhà thầu không biết hạch toán vào đâu, vì khi quyết toán công trình, giá cát chỉ được tính theo công bố của cơ quan thẩm quyền chứ không theo giá thực tế. Nhiều người dân cũng e ngại xây nhà... vì giá cát tăng gấp nhiều lần.
Quảng Ngãi là địa phương có trữ lượng cát rất dồi dào, tập trung nhiều nhất trên sông Trà Khúc với trữ lượng hàng triệu m³ cát.
Thực tế, Quảng Ngãi không thiếu cát vì đã quy hoạch 100 mỏ cát, sỏi lòng sông với diện tích hơn 1.300 ha. Song do công tác đấu giá và quản lý cấp phép chưa tốt dẫn đến tình trạng giá cao. Cụ thể giữa năm 2023, cả tỉnh chỉ có một mỏ cát được cấp phép ở huyện Mộ Đức với công suất khoảng 50.000 m³/năm, trong khi vào mùa nắng nhiều công trình khởi công nên rất cần cát.
Để đáp ứng nhu cầu cát tăng theo dự báo, từ 2022 đến cuối 2023, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đấu giá 12 mỏ với tổng công suất mỗi năm khoảng 400.000 m³, sau hơn hai năm việc đấu giá bị trì hoãn vì dịch Covid-19. Ngoài ra, do thủ tục kéo dài nên đến cuối 2023, các mỏ đã đấu giá này mới có giấy phép khai thác.
Một nguyên nhân nữa là tổng công suất hằng năm của các mỏ đã đấu giá cộng lại cũng chỉ đáp ứng 23% nhu cầu theo dự báo của Sở Xây dựng (tổng nhu cầu là 1,74 triệu m³/năm và dự báo tăng lên 2,6 triệu m³ vào năm 2030). Hơn nữa, việc có ít doanh nghiệp được cấp phép mỏ cát dễ dẫn đến bắt tay nhau, thao túng giá.
Hiện tại, ba mỏ cát lớn ở Quảng Ngãi là Tịnh An - Nghĩa Dũng, An Tráng (Nghĩa Thắng) và Đồng Xuân 2 (Hành Thiện), giá cát tại mỏ dao động từ 318.000 - 356.000 đồng/m³, gấp rưỡi so với thông báo giá của Sở Xây dựng. Giá cát tại mỏ ở Quảng Ngãi cũng tăng gấp 2 lần so với giá cát được cấp phép ở tỉnh Bình Định; cao hơn 10% so với các mỏ ở Quảng Nam gần Khu Kinh tế Dung Quất, khiến một số doanh nghiệp ở gần khu kinh tế này phải ra Quảng Nam mua cát. Giá cát ở các tỉnh miền Tây, thời điểm sốt giá vào tháng 8/2023, cao nhất khi chở đến công trình cũng chỉ 380.000 đồng/m³.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho biết, theo giá tính thuế mới năm 2024, giá doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát sẽ trên 500.000 đồng/m³ cát, cộng thêm các chi phí trong quá trình khai thác... thì giá cát đến tay người tiêu dùng có thể tăng lên 700.000 đồng/m³. Giá tăng cao như vậy là bất hợp lý. Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND tỉnh, thay đổi phương pháp đấu giá.
Mới đây, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và Sở Tài chính tổ chức cho các doanh nghiệp kê khai giá cát, sau 3 tháng không kê khai, nhằm hạ nhiệt giá cát. Động thái này được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đưa ra sau khi tham khảo Nghị định 177 hướng dẫn Luật giá, để điều tiết thị trường khi mặt hàng có dấu hiệu tăng giá "bất thường".
VLXD.org (TH/ Lao động)
Ý kiến của bạn