Trao đổi với ông Hoàng Sỹ Kiện, Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho biết, các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, các doanh nghiệp xây dựng và cung ứng vật liệu xây dựng gặp khó dây chuyền không bán được vật liệu và không có công trình để thi công. Dự báo năm 2024, các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng trên địa bàn Nghệ An vẫn tiếp tục đối diện với nhiều thách thức.
Anh Nguyễn Công Cường, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Miền Trung (TP. Vinh) cho biết, trong năm 2023, doanh nghiệp phải chống chọi với những biến động, khó khăn của nền kinh tế. Thị trường bất động sản thiếu khởi sắc đã tạo ra những rào cản lớn khiến sản xuất của doanh nghiệp đình trệ. Lường trước những khó khăn của thị trường, doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất, cắt giảm tối đa lực lượng lao động…
Nhà máy gạch tuynel Tân Kỳ (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) tồn đọng nhiều sản phẩm.
Theo ông Phan Bá Hải, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Hải Yến (huyện Yên Thành) chia sẻ, lượng xi măng, sắt thép doanh nghiệp bán ra trong năm 2003 chỉ bằng 35 - 40% năm 2022. Thông thường từ tháng 10 âm lịch, người dân xây dựng nhà ở nhiều, nhưng năm nay, giá giảm liên tục, lượng thép tồn kho nhiều. Nếu tình trạng này còn kéo dài, lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục lâm cảnh khó khăn, ông Phan Bá Hải nói.
Ngoài ra, các đơn vị chuyên cung cấp gốm sứ xây dựng, gạch ốp lát sử dụng chủ yếu cho các công trình nhà ở, công trình xây dựng dân dụng… Khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, những sản phẩm này không tìm được cách tiêu thụ. Hiện một phần sản lượng tiêu thụ của nhóm này trông đợi vào việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà dân.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm của ngành sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng là do thị trường bất động sản không phát triển, thậm chí là suy giảm mạnh. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bất động sản đến từng lĩnh vực của ngành Vật liệu xây dựng có khác nhau. Với xi măng, ngoài việc đưa vào dự án bất động sản, sản phẩm này có thể tiêu thụ cho các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, đường sá, cầu cống, thủy lợi, thủy điện, xuất khẩu.
Theo ông Hoàng Sỹ Kiện, để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp vật liệu sản xuất xây dựng cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tăng chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nỗ lực tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, quản lý, chú trọng tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường. Đồng thời tăng cường khâu tiếp thị, linh hoạt mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm.
VLXD.org (TH/ Lao động)