Nhập gạch từ Bắc Ninh, Bắc Giang
Trên địa bản Sơn La có 12 nhà máy sản xuất gạch nung với tổng công suất thiết kế đạt 214 triệu viên/năm, sản lượng năm 2017 là 196 triệu viên, đạt 91,6% công suất, trong đó có 6 nhà máy sẽ dừng hoặc hạn chế hoạt động vào năm 2020 do phát triển đô thị (nhà máy gạch Chiềng Sinh phải trả lại mặt bằng theo quy hoạch xây dựng khu Trung tâm hành chính – chính trị TP Sơn La), do có dây chuyền công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng tới môi trường (nhà máy gạch Vạn Thành, nhà máy gạch Đông Sang Mộc Châu), do không có quy hoạch nguồn nguyên liệu (nhà máy gạch tuynel Chiềng Pha, nhà máy gạch ngói Chiềng Mung, nhà máy gạch Nà Bó), dẫn đến sản lượng gạch đất nung giảm mạnh (khoảng 110 triệu viên/năm), giảm hơn 50% sản lượng hiện tại, nguồn cung gạch đỏ sẽ khan hiếm.
Theo Sở Xây dựng Sơn La, những năm gần đây, việc sử dụng gạch xây cho các công trình cũng như nhà ở của nhân dân là tương đối lớn, khoảng từ 270 - 300 triệu viên/năm, khả năng sản xuất của các NM trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu, do vậy không ít các đại lý kinh doanh vật liệu tại huyện Bắc Yên, TP Sơn La… phải nhập gạch từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ về với số lượng khoảng từ 70 - 100 triệu viên/năm.
Theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, dự báo nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020 là 560 - 570 triệu viên, trong đó gạch đất nung là 336 - 342 triệu viên (chiếm 60%), gạch không nung là 224 - 228 triệu viên (chiếm 40%). Tức là chủ yếu vẫn phải sử dụng gạch nung.
Xin đầu tư nhà máy gạch đất nung
Cũng theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Sơn La đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, khuyến khích các nhà máy sản xuất gạch tuynel trên địa bàn huyện Mai Sơn, Yên Châu. Trong đó huyện Yên Châu đầu tư 02 nhà máy với công suất 20 - 40 triệu viên/năm, tổng mức đầu tư 40 - 70 tỷ đồng; Huyện Mai Sơn đầu tư 01 nhà máy công suất 40 triệu viên/năm, tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng. Việc đầu tư dây chuyền sản xuất gạch tuynel tiên tiến không chỉ đáp ứng nhu cầu về sản lượng gạch nung cho thị trường mà còn phù hợp với việc tận dụng đất đồi, đất trồng ngô lâu năm bạc màu vốn là lợi thế của tỉnh Sơn La trong sản xuất gạch nung.
Cả 3 nhà máy này đều có vùng nguyên liệu nằm trong quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dưng thông thường tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 70/NQ-HĐND ngày 08/12/2017, cụ thể: Điểm mỏ xã Sập Vạt, huyện Yên Châu: Diện tích 7,56ha, trữ lượng 620.000m3; Điểm mỏ xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu: Diện tích 9,858ha, trữ lượng 620.000m3; Điểm mỏ xã Mường Bon, huyện Mai Sơn: Diện tích 6,96ha, trữ lượng 360.000m3.
Bên cạnh đó, có 02 nhà máy đều đã được UBND tỉnh chấp thuận và triển khai đầu tư trước khi Văn phóng Chính phủ ban hành Thông báo số 14TB-VPCP ngày 09/01/2018 về việc chỉ đạo thực hiện Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị toàn quốc về vật liệu xây dựng năm 2017, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “trước khi cấp phép các dự án đầu tư sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu phải lấy ý kiến tham vấn của Bộ Xây dựng theo quy định; Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Dừng đầu tư mới đầu tư, mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung…”.
Theo đó, nhà máy gạch Yên Châu tại xã Sập Vạt, huyện Yên Châu đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 29/12/2017 cho Công ty CP Hưng Thịnh Yên Châu, nhà máy gạch Mường Bon tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 13/11/2017 cho Công ty CP gạch Mai Sơn.
Đối với nhà máy gạch tuynel Chiềng Sinh được thành lập từ năm 1995, tổng số cán bộ công nhân viên đến nay hơn 150 người. Toàn bộ cán bộ công nhân viên đều được Công ty đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Đa số cán bộ công nhân viên có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 10 - 15 năm. Khi nhà máy phải di dời khỏi trung tâm thành phố theo chủ trương của tỉnh sẽ ảnh ưởng đến việc làm của họ, ảnh hưởng đến đời sống gia đình họ.
Nhà máy gạch tuynel Chiềng Sinh hiện đang nằm trong quy hoạch xây dựng khu trung tâm hành chính – chính trị TP Sơn La. Để đảm bảo mặt bằng thực hiện quy hoạch, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1063/UBND-KT ngày 11/4/2017 về việc xem xét đề nghị của Công ty CP Vật liệu xây dựng I Sơn La khảo sát và lập đề xuất dự án xây dựng NM gạch tuynel tại huyện Yên Châu.
Hiện nay Công ty CP Vật liệu xây dựng I Sơn La đã lựa chọn địa điểm để xây dựng nhà máy tại bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu với diện tích khoảng 7ha. Công ty đang tổ chức các bước chuẩn bị đầu tư và xin cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định. Quy mô đầu tư 40 triệu viên/năm, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40 tỷ đồng.
UBND tỉnh Sơn La đề nghị Bộ Xây dựng chấp thuận đầu tư nhà máy gạch Yên Châu tại xã Sập Vạt, huyện Yên Châu, nhà máy gạch Mường Bon tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn và cho ý kiến đối với việc tiếp tục đầu tư thực hiện dự án và cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà máy gạch tuynel Chiềng Sinh tại xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu.
VLXD.org (TH/ Xây dựng)