Trên cơ sở các quy hoạch khoáng sản được phê duyệt và tham mưu của các sở, ngành, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương cho các dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản làm trên địa bàn tỉnh đúng theo các quy hoạch được phê duyệt, không chồng chéo vào các quy hoạch khoáng sản của Trung ương. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho 314 đơn vị, gồm: đá xây dựng, cát xây dựng, đất san lấp, đá san lấp có tận thu phụ gia xi măng, đất sét làm gạch nung.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 562 đơn vị khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng đang hoạt động, gồm: xi măng, gạch nung tuynel, gạch không nung, đá ốp lát, tấm lợp fibro xi măng, đá ốp lát, vôi, tấm lợp fibro xi măng, cát nghiền, đá xây dựng... Trên địa bàn tỉnh hiện cũng đã có 562 dự án đầu tư khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, như: xi măng, gạch xây, đá xây dựng, đá ốp lát, cát xây dựng, tấm lợp, gạch gốm ốp lát, vôi công nghiệp,... đang hoạt động sản xuất ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, nhất là các khu vực miền núi khó khăn.
Thực tế cho thấy, nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh cơ bản tự sản xuất, bảo đảm chất lượng, sản lượng, không xảy ra tình trạng khan hiếm, ép giá vật liệu khi thi công các công trình xây dựng trọng điểm quốc gia và của tỉnh, như: Xây dựng Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn; dự án tại các Khu Công nghiệp Bỉm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng...; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A; đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; dự án thành phần đường Cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa... Giá trị sản xuất công nghiệp vật liệu và xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh những năm gần đây tăng cao và các dự án sản xuất trên địa bàn tỉnh tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động, với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Khai thác đá làm vật liệu xây dựng tại xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy).
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng, công tác khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Theo quy định của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12, các dự án khai thác khoáng sản phải được quy hoạch phù hợp nhu cầu từng giai đoạn phát triển kinh tế của cả nước và địa phương; Sở Xây dựng đã chủ động tham mưu và được UBND tỉnh giao lập và phê duyệt quy hoạch các loại khoáng sản đá, cát, đất sét, gạch tuynel trên địa bàn tỉnh...
Theo Quyết định số 2427/QÐ-TTg ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó, quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 1: “Khai thác chế biến khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường phải gắn với an toàn lao động, bảo vệ cảnh quan và môi trường. Không khai thác vật liệu xây dựng ở chân sườn đồi, núi, dọc theo các tuyến quốc lộ để bảo vệ cảnh quan”. Tuy nhiên, thực tế quan điểm về việc không khai thác vật liệu xây dựng ở chân sườn đồi, núi, dọc theo các tuyến quốc lộ chưa quy định rõ khoảng cách cụ thể đối với các mỏ khoáng sản; dẫn đến có nhiều quan điểm nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Vì vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh còn có 28 khu mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác, thăm dò, đang tạm xem là nằm dọc các tuyến quốc lộ nên chưa được cập nhật, bổ sung vào quy hoạch để các chủ đầu tư thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của chủ mỏ.
Theo quy định, việc quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải được HÐND tỉnh chấp thuận, thông qua. Tuy nhiên, chưa được các địa phương cấp huyện, các ngành quan tâm, rà soát bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương; dẫn đến khi thực hiện xem xét, chấp chuận chủ trương đầu tư hoặc dự án đã có giấy phép khai thác nhưng chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gây gián đoạn quá trình đầu tư, sản xuất, tăng thủ tục hành chính. Theo quy định tại khoản 2, Điều 3 của Luật Khoáng sản, các dự án khai thác phải áp dụng công nghệ, máy móc tiên tiến, ít gây ô nhiễm môi trường.
Nhưng qua theo dõi của Sở Xây dựng, cho thấy: Trong các hồ sơ dự án vật liệu xây dựng được thẩm định, nhà đầu tư có đăng ký, thiết kế công nghệ, máy móc mới, áp dụng hệ thống khai thác theo quy định, bảo đảm an toàn, nhưng mới chỉ dừng lại trong hồ sơ, việc thực hiện đầu tư, khai thác, chế biến tại mỏ còn nhiều hạn chế và nhiều mỏ khai thác chưa đúng thiết kế, đầu tư máy móc chưa phù hợp với dự án đầu tư. Nguyên nhân được xác định là do các chủ đầu tư mỏ thiếu vốn, trình độ còn hạn chế, khi có giấy phép khai thác chỉ tập trung khai thác ngay để có sản phẩm; bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước để đôn đốc, kiểm tra chưa được thường xuyên, đồng bộ và đa số mới dừng lại ở nhắc nhở.
Theo Thông tư 19/2019/BXD của Bộ Xây dựng quy định có 6 nhóm vật liệu xây dựng phải công bố chất lượng trước khi đưa vào lưu thông, sử dụng; Sở Xây dựng đã hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, thực hiện công bố chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều đơn vị chưa quan tâm, giám sát, kiểm tra định kỳ để công bố chất luợng sản phẩm theo quy định; bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước chưa kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thường xuyên, để các đơn vị sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng thực hiện đầy đủ theo đúng các quy định.
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, cấp phép khai thác và đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, bảo vệ môi trường, cảnh quan phù hợp với quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045; Sở Xây dựng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Đó là, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết không chấp thuận các dự án thăm dò, khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu không có trong quy hoạch; đồng thời, rà soát, kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh bổ sung, hoặc đề xuất bổ sung các mỏ mới phát hiện đủ điều kiện khai thác, chế biến làm vật liệu xây dựng vào quy hoạch khoáng sản Trung ương và địa phương, nhằm tăng nguồn vật liệu dự trữ phục vụ công trình xây dựng trọng điểm và trong tương lai.
Hướng dẫn, khuyến khích đầu tư sản xuất các loại vật liệu mới, vật liệu cao cấp có tính năng vượt trội, thân thiện với môi trường, vật liệu sử dụng nguyên liệu phế thải công nghiệp, vật liệu san lấp công trình, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản. Bên cạnh đó, chỉ thẩm định dự án có công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến, sử dụng máy móc hiện đại, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bổ sung, cập nhật đơn giá, tiêu chuẩn kỹ thuật thi công, nghiệm thu đối với các loại vật liệu xây dựng thay thế vật liệu tự nhiên, như: cát nghiền (cát nhân tạo), tre, gỗ, nhựa...
Sở Xây dựng phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến, sản xuất, kinh doanh, lưu thông và sử dụng vật liệu trong công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm trong hoạt động khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng.
VLXD.org (TH/ Báo Thanh Hóa)