Anh Hoàng Văn Chuyền (sinh năm 1983) tại thôn Nà Pe, xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) đã xây dựng thành công mô hình sản xuất gạch không nung đem lại thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.
Anh Chuyền cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình tôi chủ yếu phụ thuộc vào trồng ngô, lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy nhu cầu sử dụng gạch không nung của người dân trên địa bàn xã ngày càng cao, năm 2016, tôi bàn bạc cùng vợ và quyết định đầu tư, phát triển mô hình sản xuất gạch ép không nung.
Anh Hoàng Văn Chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm Anh Hoàng Văn Chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm
Những năm đầu bắt tay vào thực hiện mô hình, anh Chuyền gặp không ít khó khăn như: thiếu vốn sản xuất; sản xuất thủ công nên năng suất, chất lượng gạch chưa cao; thị trường tiêu thụ còn hạn chế…
Năm 2017, thông qua Hội Nông dân xã, anh đã vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư mua nguyên liệu, máy móc phục vụ sản xuất… Đồng thời, anh tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tỷ lệ vôi và xi măng để gạch đạt chất lượng cao hơn.
Hiện xưởng sản xuất gạch của gia đình anh có 2 máy xúc; 3 xe ô tô vận chuyển gạch; 1 máy trộn; 1 máy ép… với tổng chi phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, số lượng gạch sản xuất tăng từ 1.000 viên/ngày lên 3.000 viên/ngày.
Mẫu mã và chất lượng của gạch cũng ngày càng được nâng cao. Nhờ chất lượng tốt, giá cả hợp lý, sản phẩm gạch không nung của anh Chuyền được thị trường ưa chuộng, số lượng hợp đồng đặt mua sản phẩm ngày càng nhiều.
Từ năm 2022 đến nay, trung bình mỗi năm, mô hình sản xuất gạch của gia đình anh đem lại nguồn thu hơn 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình mà mô hình sản xuất gạch không nung của anh Chuyền còn tạo việc làm cho 5 đến 7 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình hơn 6 triệu đồng/người/tháng.
VLXD.org (TH)