Dư địa lạm phát quý 4 bình quân tháng là khoảng 0,63%
Đây là dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG).
Theo UBGSTCQG, lạm phát theo tháng có xu hướng tăng kể từ tháng 6 và đạt mức cao trong hai tháng cuối quý 3/2013 (bình quân tháng trong quý 3 tăng 0,7% so với mức âm của quý trước). Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng này chịu tác động chủ yếu của việc điều chỉnh mùa vụ (giá các hàng hóa, dịch vụ công do nhà nước quản lý) chứ không phải do các yếu tố cơ bản của lạm phát tăng, đặc biệt là tổng cầu hiện vẫn còn thấp.
Sang tháng 10, lạm phát so với cùng kỳ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010 (5,92%) và lạm phát cơ bản cũng trong xu hướng giảm (từ mức 10% trong tháng 9 xuống còn 8,85%). So với tháng trước, CPI tăng 0,49% do sự tăng lên của nhóm hàng lương thực thực phẩm và nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng.
Thông thường, quý 4 là quý có mức tăng CPI cao nhất trong năm. Các yếu tố chính gây tăng giá trong quý này bao gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng, nhu cầu mua sắm theo thời vụ các tháng cận Tết, khả năng điều chỉnh giá xăng dầu, gas. Tuy nhiên, UBGSTCQG cho rằng, hiện sức cầu còn yếu nên sẽ hạn chế đáng kể đà tăng giá trong các tháng tới.
Tính đến tháng 10, CPI tăng 5,14% so với đầu năm, do đó dư địa còn lại cho lạm phát quý 4 là 1,9%, tương ứng với mức bình quân tháng khoảng 0,63%. “Lạm phát cả năm 2013 vẫn được kiểm soát xung quanh mức 7% nếu như có sự quản lý và điều tiết tốt việc điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ do nhà nước quản lý”.-UBGSTCQG dự báo.
Như vậy, lạm phát trong những tháng vừa qua tăng khá mạnh so với giai đoạn đầu năm nhưng không phải do những yếu tố cơ bản mà chủ yếu là do việc chủ động điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công. Để lạm phát diễn ra như trên, UBGSTCQG khuyến nghị, việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự phối hợp, tránh việc tăng giá tùy ý (về thời điểm tăng giá, mức tăng giá…) nhằm tránh gây tác động lạm phát tâm lý trong thời gian tới.
Nếu lạm phát diễn ra đúng như dự báo, đây sẽ là thành quả nổi bật của kinh tế Việt Nam trong việc duy trì lạm phát ổn định liên tiếp 2 năm giúp ổn định kỳ vọng lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Hà Nội mới