>> Chấm dứt sử dụng amiăng vào năm 2020
>> Bộ Tài chính đồng tình đề nghị dừng sử dụng amiang trắng vào năm 2020
>> VUSTA kiến nghị dừng sử dụng amiăng trắng vào năm 2020
Amiăng trắng hay còn gọi là sợi chrysotile, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, "chrysos" có nghĩa là vàng và "tilos" có nghĩa là sợi hay còn gọi là "sợi vàng", là khoáng vật cấu tạo bởi tập hợp các sợi nhỏ, xốp và mềm dẻo. Đây là loại sợi liên kết theo dạng xoắn ốc tạo thành ống hình trụ, rỗng và có thể uốn cong. Loại sợi này thuộc nhóm serpentine với những tính năng ưu việt vượt trội - không thể thay thế được bởi bất cứ loại sợi tự nhiên hay sợi nhân tạo nào - như độ bền cơ học và tính đàn hồi cao, chịu ma sát tốt, chống cháy, chịu được môi trường kiềm, cách điện, khó phân huỷ, ngăn cản vi khuẩn và sự tán xạ… amiăng trắng được coi là loại nguyên liệu xây dựng đầu vào hữu ích cho hơn 3.000 sản phẩm.
Còn các loại sợi amiăng amosite, crocidolite (amiăng nâu – xanh) thuộc nhóm amphibole với cấu tạo dạng thẳng, nhám, hình kim và chu kỳ bán tiêu hủy chậm. Các sợi thuộc nhóm amphibole khi vào phổi sẽ gây ra các khối u, triệu chứng viêm. Sau 10 – 20 năm ủ bệnh, các khối u sẽ phát tác thành ung thư và các bệnh về phổi. Hiện nay, amiăng nâu và xanh đã hoàn toàn bị cấm sử dụng dưới mọi hình thức trên toàn thế giới do trong quá khứ, điều kiện làm việc tồi tệ và việc sử dụng sợi amiăng không đúng cách như phun, xịt đã gây phát tán bụi trong không khí là nguyên nhân gây ra các bệnh về phổi cho công nhân. Những bệnh nhân mắc bệnh bụi phổi được phát hiện ngày hôm nay chính là kết quả của việc tiếp xúc với amiăng xanh và nâu từ 20 – 40 năm trước.
Sợi amiang trắng được thấm nước để bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất tấm lợp.
Tuy nhiên, hàng chục năm nay, khả năng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người của amiăng trắng vẫn gây ra rất nhiều tranh cãi. Nhiều nghiên cứu khoa học được thực hiện ở các nước như Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Thuỵ Điển, chưa từng bị phản biện và được xuất bản trong các tạp chí khoa học uy tín có hệ thống bình duyệt như British Journal of Industrial Medicine và American Review of Respiratory Disease dường như đã minh chứng phần nào “việc bảo vệ sức khoẻ con người” chỉ là một cái cớ. Cuộc chiến tranh về thương mại nhằm thay thế sợi amiăng bằng sợi PVA được nêu ra như một lí do cần được xem xét cẩn trọng bởi theo các nghiên cứu khoa học và thực tế sử dụng sợi amiăng trên thế giới và tại Việt Nam trong gần 60 năm qua, chúng ta vẫn chưa ghi nhận được bất kỳ trường hợp nào mắc bệnh ung thư phổi và ung thư trung biểu mô liên quan đến amiăng trắng.
|
Ngày nay, chỉ duy nhất sợi amiăng trắng vẫn đang được sử dụng dưới sự kiểm soát chặt chẽ tại nhiều nước trên thế giới bao gồm: Hoa Kỳ, Canađa, Liên bang Nga, Mexico, Brazil, Ukraina, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Việt Nam… |
|
|
Để kêu gọi ban hành lệnh cấm sử dụng amiăng trắng, phía phản đối đã đưa ra những dẫn chứng dựa trên các phán đoán. Ví dụ, ở Nhật, khi công nhân nhà máy sa kê bị ung thư, họ cho rằng bộ lọc được sử dụng trong nhà máy chứa amiăng trắng, phát tán bụi gây bệnh. Hay như ở Ý, nhân viên soát tàu mắc ung thư là do dây phanh tàu có chứa amiăng. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì nếu theo lập luận trên, ở Nga sẽ có nửa số dân bị ung thư vì nước này đã khai thác và sử dụng amiăng trắng từ hàng trăm năm qua, đặc biêt trong hàng nghìn km đường ống cấp nước sinh hoạt hoặc tại Brazil, 60% dân số nước này vẫn sử dụng nước sinh hoạt trong các bể chứa xi măng amiăng trắng và tại Việt Nam, 5.000 công nhân đang làm việc tại các nhà máy sản xuất tấm lợp đều không thể thoát được án tử.
Tại Việt Nam, những nghiên cứu khoa học cấp Bộ như "Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng Môi trường các cơ sở sản xuất
tấm lợp amiăng xi măng và những ảnh hưởng của amiăng đối với sức khỏe con người - Kiến nghị các giải pháp" do Bộ Tài nguyên & Môi trường; hay “Nghiên cứu các bệnh liên quan đến amiăng ở những người tiếp xúc” do Cục quản lý Môi trường Y tế – Bộ Y tế triển khai trong 3 năm 2009 – 2011 thuộc Dự án “Bảo vệ sức khỏe người lao động giai đoạn 2009-2011” do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tài trợ thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khi khẳng định “không tìm thấy trường hợp bệnh nhân ung thư trung biểu mô do liên quan đến amiăng trắng”… thì đều bị các tổ chức phi chính phủ chỉ trích là “không đáng tin cậy” và “Việt Nam chưa có đủ trình độ để nghiên cứu”. Điều đó khiến công chúng và chính các nhà máy sản xuất tấm lợp hoài nghi về việc “kết quả tích cực bị cố tình đánh lạc hướng”.
Bộ trưởng Công Thương trong chuyến thăm và làm việc tại Nga mới đây đã bàn về việc cấm sử dụng amiang trắng.
Trong bối cảnh đó, nhiều Bộ ngành đã có những đề xuất cấm amiăng trắng vào năm 2020 và 2023, từ nay đến 2023 thì dần chuyển đổi dần sang công nghệ thay thế. Tuy nhiên, thực tế đã có hàng loạt các dây chuyền sử dụng sợi thay thế được đưa vào thử nghiệm nhưng thất bại và giờ đang “nằm đắp chiếu”. Việc phải hoạt động kinh doanh với án treo lơ lửng trên đầu khiến hàng loạt các nhà máy hoang mang, không biết đi đâu về đâu đã phải gửi đơn kêu cứu lên Quốc hội. Các nhà máy khẳng định họ hoàn toàn đang kinh doanh mặt hàng được pháp luật cho phép và đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh lao động, tuy nhiên, khi chính sách vĩ mô không ổn định thì các nhà máy không thể tiếp tục duy trì, dù chỉ là cầm chừng.
Cùng một mối quan tâm, ngày 06 tháng 6 năm 2017, Công thư số T704-438 của Trưởng Cơ quan đại diện thương mại Nga tại Việt Nam đã chuyển Công hàm của Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga S.S Voskresenky tới Bộ Công thương đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quan ngại của Nga khi Chính phủ Việt Nam xem xét, cấm nhập khẩu và sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam vào năm 2020 mà không có cơ sở khoa học. Hiện nay, Việt Nam hàng năm nhập khoảng khoảng 60 tấn amiăng trắng từ Nga và Kazakhstan để làm nguyên liệu sản xuất tấm lợp fibro xi măng.
Việc đề xuất ban hành lệnh cấm amiăng trắng một lần nữa làm dấy lên lo ngại về mối quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và hai nước thành viên trực thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu là Nga và Kazakhstan. Theo đó, ngày 29/6/2017, trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Chủ Tịch nước Trần Đại Quang, tọa đàm kinh tế Việt Nam – Nga và Tọa đàm kinh tế Việt Nam – Belarus đã được tổ chức với sự hưởng ứng và tham gia tích cực của đông đảo doanh nghiệp các bên, thể hiện quyết tâm nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu đã có hiệu lực. Trong phiên họp này, Bộ trưởng Bộ thương mại Ủy ban kinh tế Á-Âu Veronica Nikishina đã bày tỏ sự quan tâm đến việc áp đặt lệnh cấm sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam mà không có bằng chứng khoa học trong khi đó, theo các điều khoản của Hiệp định, các nước thành viên, bao gồm Việt Nam đều yêu cầu phải có thông báo, tham vấn và đàm phán trước cho bất kỳ ý định cấm bất cứ chất nào và phải có các bằng chứng khoa học cho lệnh cấm đó.
Thông qua những hành động hỗ trợ, phía Việt Nam cẩn trọng cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu amiăng trắng vào năm 2020, hai bên thỏa thuận tiếp tục họp bàn vấn đề này, đặc biệt chú ý đến nghiên cứu đánh giá và thực thi sử dụng amiăng trắng một cách an toàn nhằm duy trì bền vững quan hệ hợp tác giữa các bên./.
Theo VOV