Dự án 584 Lilama SHB Building tại đường Trịnh Đình Trọng
đã nằm bất động suốt thời gian dài.
Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn những dự án trên đều là hàng “ế”, đang xây dỡ dang hoặc thậm chí được quy hoạch “treo” từ vài năm trước.
Điển hình là những dự án của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584. Công ty này đã có tới 7/24 dự án đăng ký chuyển đổi trong danh sách của Bộ Xây dựng. Có thể nói, tình hình kinh doanh bất động sản của Công ty 584 đã xem như “vỡ trận”. Cổ phiếu của công ty này hiện đã ngừng giao dịch từ ngày 7/5/2013.
Bất động sản từng là “con gà đẻ trứng vàng” đem về trên 90% lợi nhuận cho Công ty 584 vào thời hưng thịnh nhất. Năm 2010, số dự án mà công ty trực tiếp triển khai và góp vốn lên đến 10 dự án. Cụ thể như dự án Khu căn hộ cao tầng 584 Tân Kiên, Khu căn hộ cao tầng 584 Điện Biên Phủ, Khu căn hộ cao tầng 584 Lê Đức Thọ, Khu căn hộ cao tầng Anpha (Dự án Tân Kiên mở rộng), Khu căn hộ cao tầng Phường 16,quận 8, Khu dân cư Phường 13, Quận Bình Thạnh…
Khi thị trường bất động sản rơi vào thời kỳ khủng hoảng cũng là lúc công ty này sa lầy và một điều tất yếu đi kèm là tranh chấp và kiện cáo do dự án trễ tiến độ chậm bàn giao nhà. Đáng chú ý nhất là việc khách hàng của dự án Khu căn hộ cao tầng 584 Tân Kiên tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh giăng băng rôn biểu tình đòi nhà. Sau đó, chủ đầu tư đã xin chuyển công năng dự án sang bệnh viện nhưng sau cùng cũng không thành.
Một dự án khác cũng khiến khách hàng mất dần niềm tin vào Công ty 584 đó là Dự án 584 Lilama SHB Building tại đường Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú. Suốt 2 năm qua, dự án gần như bất động. Nhiều khách hàng đã trót mua căn hộ tại đây đều trong tâm trạng chán nản, ngóng chờ dự án hoàn thành hoặc hoàn trả lại tiền mà họ góp vốn nhưng tất cả chỉ như “bóng chim tăm cá”.
Ngoài Công ty 584, một số doanh nghiệp khác cũng cùng chung cảnh ngộ ôm trong mình những dự án bất động sản chực chờ cứu như Dự án Khu thương mại - dân cư Hưng Điền của CTCP Đầu tư Tấn Hưng; Dự án Chung cư Nhựt Quang do Công ty TNHH Vận tải và thương mại Nhựt Quang làm chủ đầu tư; Dự án Chung cư Anh Tuấn Apartment do Công ty TNHH Kinh doanh nhà Anh Tuấn đầu tư…
24 dự án xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội đa phần đều có tiền thân không thuận lợi, gặp khó khăn nên mới tìm đường hướng mới phát triển. Liệu điều này có lặp lại hay không là một dấu hỏi không hề nhỏ với người mua nhà tương lai. Đồng thời, việc kiểm soát dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ còn mơ hồ và chưa cụ thể trách nhiệm của bất cứ cơ quan nào. Điều đó không thể không làm khách hàng cảnh giác hơn, trước khi xuống tay ký tên vay tiền mua nhà.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: “Chủ đầu tư phải thuyết phục được cơ quan chuyên môn về hiệu quả của dự án khi chuyển đổi. Việc chuyển đổi chắc chắn sẽ khó khăn hơn so với dự án được lập ngay từ đầu.Bộ Xây dựng phải xem xét kỹ trước khi đồng ý vì nếu không làm “chặt” rất dễ hình thành một dạng nhà ở “ế” khác trong tương lai. Đừng xem nhà ở xã hội là cái phao mà nên xem đó là một hướng đi mới, trong đó nhu cầu thực tế là căn cứ phải được doanh nghiệp tính kỹ”. Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành: Các doanh nghiệp nên thận trọng, nếu không có kinh nghiệm về nhà ở xã hội rất dễ “chết” ở loại nhà này bởi quy định về đối tượng được mua, phải qua kiểm duyệt chứ không được bán tự do. Nhà có thể rẻ nhưng đối tượng được mua không có tiền. Chuyển từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội thì được chứ chuyển ngược thì chưa có tiền lệ. Theo: Báo Xây Dựng |