Công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường
Tại cuộc họp thẩm định về
quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, nhận được sự tham gia, góp ý trực tiếp của các chuyên gia đầu ngành cùng lãnh đạo UBND các tỉnh và sở chuyên ngành trong cả nước, cho thấy việc đầu tư phát triển công nghiệp
xi măng chỉ ưu tiên các dự án đầu tư mở rộng, các dự án công suất lớn có công nghệ hiện đại, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp, không đầu tư các trạm nghiền độc lập, riêng lẻ. Bên cạnh đó, quy mô đầu tư, công nghệ khai thác đá vôi - nguyên liệu chính cho
sản xuất xi măng, phải được thực hiện theo các nội dung trong “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm
VLXD ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035” do Bộ Xây dựng lập.
Cụ thể, đầu tư công nghệ khai thác hiện đại với các thiết bị mỏ cơ giới hóa và tự động hóa cao. Nghiên cứu phát triển công nghệ khoan hầm khai thác đá để bảo vệ cảnh quan, môi trường và giữ được hình dáng bên ngoài của núi. Các cơ sở khai thác phải tiến hành xử lý hoàn nguyên khu vực khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản về môi trường: Phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai sau khi kết thúc từng giai đoạn hoặc toàn bộ hoạt động
khoáng sản, xử lý nước thải theo tiêu chuẩn vệ sinh trước khi thải. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra đặc điểm địa hình các khu vực mỏ đang khai thác để có biện pháp bảo vệ an toàn lao động. Không khai thác các mỏ đá vôi đã được quy hoạch để sản xuất xi măng để làm đá xây dựng cũng như sản xuất các loại VLXD khác.
Đặc biệt, đối với các mỏ đá vôi xi măng đang khai thác nằm trong quy hoạch khu du lịch, danh lam thắng cảnh phải có kế hoạch di dời hoặc dừng khai thác. Các
dự án xi măng mới không được khai thác đá tại các mỏ nằm gần quốc lộ, hoặc có khai trường hướng về phía đường giao thông.
Tiêu chí nào xét đầu tư?
Với quan điểm và định hướng khai thác như vậy, tiêu chí nào để xem xét đầu tư? Các nhà chuyên môn cho rằng, các
nhà máy xi măng phải có công nghệ xi măng lò quay hiện đại với mức độ cơ giới hóa và tự động hóa cao, đạt các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật như: Tiêu hao năng lượng nhỏ hơn 730Kcal/kg clinker, tiêu hao điện năng nhỏ hơn 90KWh/tấn xi măng, nồng độ bụi phát thải tại nguồn nhỏ hơn 20mg/Nm3, khai thác sử dụng tận thu khoáng sản, khuyến khích khai thác âm, khai thác theo công nghệ khoan hầm. Có phương án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác mỏ.
Lưu ý, đến năm 2020, 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh phải đáp ứng đủ các tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc chứng chỉ ISO 14001, các cơ sở sản xuất xi măng phải có thiết bị giám sát nồng độ bụi tại nguồn phát thải kết nối với bộ phận theo dõi môi trường tại địa phương.
Vị trí địa lý cũng là một trong những tiêu chí xét đầu tư. Ưu tiên các dự án đầu tư ở các tỉnh Nam Trung bộ và phía Nam (các tỉnh: Quảng Nam, Tây Ninh, Bình Phước và Kiên Giang), các dự án có điều kiện giao thông thủy thuận lợi. Có thể đầu tư một số dự án ở phía Tây làm động lực phát triển kinh tế vùng, khuyến khích các dự án đầu tư ở một số nước lân cận để chuyển sản phẩm clanke, xi măng về các tỉnh phía Nam của Việt Nam.
Ưu tiên các dự án đầu tư mở rộng, công suất lớn, công nghệ hiện đại, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp. Không đầu tư mới các dự án có công suất nhỏ hơn 3.000 tấn clinker/ngày. Hạn chế đầu tư các dự án ở những khu vực có khó khăn về nguyên liệu, ảnh hưởng đến các di sản văn hóa, phát triển du lịch, khu vực tập trung nhiều nhà máy trong khi hạ tầng giao thông chưa phát triển. Không đầu tư mới các trạm nghiền độc lập không gắn với cơ sở sản xuất
clinker, khuyến khích đầu tư các trạm nghiền tại các tỉnh miền Nam.
Vốn đối ứng tối thiểu 20%
Chủ đầu tư cần đáp ứng tiêu chí nào? Chủ đầu tư đảm bảo có đủ năng lực về tài chính và nhân lực, vốn đối ứng tối thiểu 20% tổng mức đầu tư. Có giải trình cụ thể về phương án vận tải đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra (kể cả dự kiến xuất khẩu) trên cơ sở hạ tầng giao thông hiện tại và dự kiến phát triển trong những giai đoạn tới. Tiến độ triển khai dự án phải được báo cáo hằng năm tới UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.
Việc bổ sung vào quy hoạch các dự án mới hoặc bổ sung, thay thế các dự án đã được quy hoạch phải thỏa mãn các tiêu chí về đầu tư, môi trường, quy mô công suất, công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa thiết bị.
Bên cạnh đó, có một số định hướng phát triển khác như: Nhà nước khuyến khích và công nhận các nhà máy xi măng cải tiến công nghệ, tăng năng suất, sử dụng phế thải công nghiệp làm nguyên, nhiên liệu thay thế để tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và bảo vệ môi trường, các nhà máy xi măng có công suất lò nung clinker lớn hơn 2.500 tấn clinker/ngày phải đầu tư trạm phát điện sử dụng nhiệt khí thải để tự sản xuất được khoảng 20% sản lượng điện cho sản xuất xi măng.
Các sản phẩm đa dạng hóa chủng loại xi măng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng, đặc biệt là xi măng mác cao để sản xuất
bê tông chất lượng cao, các loại xi măng để sản xuất bê tông chống ăn mòn nước biển phục vụ công trình ven biển, hải đảo, các loại xi măng đặc biệt, nghiên cứu sử dụng các phế thải công nghiệp làm nguyên liệu,
phụ gia trong sản xuất xi măng.
Có thể nói, quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 cần phải định hướng phát triển lâu dài cho ngành công nghiệp xi măng đồng hành cùng sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo Báo Xây dựng