Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt Quy hoạch (QH) tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, điểm mới đáng chú ý trong QH lần này là: Xác định trong đầu tư cần tăng dần quy mô công suất, hình thành các khu sản xuất lớn, tập trung; ưu tiên các dự án đầu tư mở rộng; hình thành và phát triển ngành chế biến nguyên liệu; Nhà nước thống nhất quản lý đầu tư phát triển VLXD từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo cân đối cung cầu chung theo từng vùng và cả nước.
Mục tiêu đặt ra trong QH cũng được xác định cụ thể, sát thực với nhu cầu và điều kiện phát triển, cụ thể là: Đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và dành một phần xuất khẩu; đến năm 2020, ngành công nghiệp sản xuất VLXD Việt Nam đạt công nghệ sản xuất tiên tiến, sản phẩm đạt chất lượng cao, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên theo hướng CNH, HĐH và bền vững; sản xuất và sử dụng một số loại VLXD mới, vật liệu thân thiện môi trường, tăng cường sử dụng các loại chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất VLXD; nâng cao tỷ lệ nhân lực được đào tạo và đào tạo lại về kiến thức và kỹ năng; xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ để sản xuất các phụ tùng thay thế và ngành công nghiệp chế biến nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất VLXD.
Trên cơ sở năng lực sản xuất và chất lượng các sản phẩm VLXD trong nước và nghiên cứu tình hình thị trường tiêu thụ sản phẩm VLXD của các nước trong khu vực và trên thế giới, QH dự kiến một số sản phẩm có lợi thế với tỷ lệ xuất khẩu như: Xi măng khoảng 20 - 30%, vật liệu ốp lát khoảng 25 - 30%, kính phẳng khoảng 20 - 30%, sứ vệ sinh khoảng 30 - 40%, vôi khoảng 30 - 50% so với tổng công suất thiết kế của mỗi loại.
Ngoài ra, QH cũng tính toán lại dự báo nhu cầu sử dụng trong nước cho 9 loại sản phẩm VLXD chủ yếu là: Xi măng, vật liệu xây, vật liệu ốp lát, kính xây dựng, sứ vệ sinh, vôi, tấm lợp xi măng sợi, đá xây dựng và cát xây dựng.
Theo Báo xây dựng (QN)