Hội nghị đã được nghe báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng; công tác quy hoạch, cấp phép các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11/13 doanh nghiệp sản xuất gạch được chứng nhận hợp quy sản phẩm theo quy định của chuyên ngành (2 doanh nghiệp đã hết hạn chứng nhận hợp quy), trong đó có 4 nhà máy gạch nung tuynel và 9 nhà máy sản xuất gạch không nung với công suất thiết kế 195 triệu viên/năm, đáp ứng được nhu cầu gạch đến năm 2025.
Toàn tỉnh Bắc Kạn có 9 mỏ cát tại các huyện Ba Bể, Na Rì, Chợ Mới, Bạch Thông, Chợ Đồn; có 4 điểm mỏ đang lập hồ sơ khai thác, 3 mỏ đang thi công thăm dò, 2 mỏ đóng cửa do giấy phép hết hạn, 1 mỏ đang tổ chức đấu giá và 1 mỏ chưa cấp phép. Sản lượng khai thác hiện nay chỉ đáp ứng khoảng hơn 24% nhu cầu sử dụng. Do vậy, trong nhiều năm gần đây, cát xây dựng luôn là vấn đề khó khăn về cung ứng cho các dự án, công trình xây dựng.
Đối với đá xây dựng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 mỏ đá đang sản xuất, khai thác công suất thiết kế 418.600 m
3/năm; khai thác thực tế năm 2020 đạt 313.002 m
3/năm, đạt 75% so với thiết kế. Các mỏ này phân bố tại các huyện như: Chợ Đồn, Ba Bể, Bạch Thông, Na Rì và thành phố Bắc Kạn. Qua tính toán của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới, đá xây dựng chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các công trình, dự án đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Thép xây dựng và xi măng là 2 loại vật liệu chiếm tỷ trọng khá cao trong công trình xây dựng. Nhiều năm nay, 2 loại vật liệu này nguồn cung cấp đều từ các tỉnh Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa…. Do tỉnh không có nhà máy sản xuất nên trong thời gian tới, 2 loại vật liệu này vẫn phải lấy từ các nhà máy ở các tỉnh khác để phục vụ cho các dự án, công trình.
Hội nghị đã thảo luận làm rõ những khó khăn, vướng mắc và bàn các giải pháp đảm bảo nhu cầu cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Qua báo cáo của một số cơ sở khai thác, sản xuất thì khó khăn trước mắt là tiêu thụ sản phẩm như gạch chỉ các loại, nhất là gạch không nung, ngoài ra tiêu thụ đá xây dựng cũng chậm hơn so các năm trước. Về khai thác cát nói chung, trên địa bàn toàn tỉnh đã không có các mỏ lớn, trữ lượng thấp có mỏ đã cấp nhưng khai thác cũng rất khó khăn do tỷ lệ sỏi khá nhiều, lượng cát ít và chủ yếu cát thô. Sỏi sau khi khai thác cũng được sử dụng rất ít vào các công trình xây dựng, kể cả các công trình giao thông nông thôn… Các cơ sở sản xuất kiến nghị tỉnh cho phép các đơn vị đăng ký công suất sản xuất từng năm phù hợp với thị trường; xem xét chính sách thuế, thủ tục cấp phép khai thác mới…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Đinh Quang Tuyên nhấn mạnh, đây là Hội nghị đầu tiên tỉnh xem xét tổng thể để đánh giá bao quát nhất việc cung cấp vật liệu xây dựng cho các công trình xây dựng cơ bản gồm cả công trình trong và ngoài ngân sách. Thời gian qua, cơ bản vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, vật liệu xây dựng cơ bản sẽ thiếu hụt ngày càng trầm trọng, tập trung vào cát xây dựng.
Để tiếp tục làm tốt hơn việc cung ứng vật liệu xây dựng cơ bản cho các công trình trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành. Trong đó, đề nghị Sở Xây dựng tiếp tục rà soát các nhu cầu để có dự báo chính xác hơn; nghiên cứu phương án phổ biến dần cát nhân tạo cho các công trình, trước mắt là các công trình từ ngân sách nhà nước. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát các điểm có thể cấp phép khai thác, đặc biệt là các mỏ cát, sỏi. Sở Tài chính chủ trì, nghiên cứu phương án thu hút các doanh nghiệp đầu tư khu vực vật liệu xây dựng cơ bản. Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản, nhất là sản xuất cát nhân tạo…
VLXD.org (TH/ CTT Bắc Kạn)