Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay cả tỉnh có 8 giấy phép khai thác cát, sỏi còn hiệu lực, với tổng công suất khai thác là 249.500 m
3/năm, hàng năm cung ứng sản lượng cát, sỏi khoảng hơn 250.000 m
3/ năm. Trong đó có 2 mỏ cát, sỏi đồi hoạt động sản xuất ổn định; 6 mỏ cát, sỏi lòng sông khai thác với công suất khai thác nhỏ 2.000 – 8.000 m
3/năm, hoạt động khai thác không ổn định, sản lượng khai thác hàng năm thấp, có 3 giấy phép đang thông báo tạm dừng hoạt động.
Dự báo nhu cầu cát, sỏi làm vật liệu xây dựng (VLXD) giai đoạn 2015 - 2020 là 450.000 - 650.000 m
3/ năm, nhu cầu sử dụng cát trên địa bàn tỉnh tăng cao, nhất là trong những năm gần đây, trong khi đó nguồn cung cấp trên địa bàn thấp chưa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh. Nhu cầu đá làm VLXD giai đoạn 2015 - 2020 là 664.000 - 826.000 m
3/ năm. Thực tế hiện trạng khai thác tính đến tháng 5/2020, trên địa bàn tỉnh có 37 mỏ đá là vật liệu xây dựng thông thường đang được cấp phép hoạt động khai thác, trong đó có 29 mỏ đang hoạt động khai thác sản xuất, 8 mỏ đang dừng hoạt động, trả lại Giấy phép, đang thực hiện đóng cửa mỏ, tổng công suất của 29 mỏ đang hoạt động là 355.000 m
3/năm.
Sở Xây dựng đã rà soát đánh giá, so sánh giá vật liệu xây dựng của tỉnh Cao Bằng với một số tỉnh lân cận và đề xuất biện pháp kiểm soát giá vật liệu trên thị trường phù hợp với điều kiện của tỉnh: Đề nghị UBND tỉnh sớm triển khai quy hoạch chung phát triển kinh tế xã hội của tỉnh theo Luật quy hoạch để tích hợp nội dung quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vào quy hoạch chung của tỉnh; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khuyến khích các nhà đầu tư bổ sung cam kết ổn định giá bán vật liệu xây dựng thông thường trong thời gian thực hiện dự án; sớm triển khai các mỏ vừa được bổ sung vào quy hoạch như các mỏ cát đồi, đá tại các huyện để tăng nguồn cung cho thị trường…
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá nguyên nhân cụ thể dẫn đến giá vật liệu xây dựng của tỉnh cao hơn một số tỉnh lân cận như: Do địa hình chia cắt, giao thông một số huyện, xã chưa thuận lợi, gây khó khăn cho việc vận chuyển, công nghệ, kỹ thuật, quy mô khai thác chế biến chưa đạt hiệu quả cao, chưa cân đối, bố trí số lượng mỏ được quy hoạch cấp phép hoạt động khoáng sản; biện pháp tác động điều chỉnh giá chưa đảm bảo khách quan, chủ động của các bên liên quan để hình thành giá vật liệu công khai; một số quy định không khả thi, còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn. Để giảm giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh cần bổ sung mỏ khai thác mới vào quy hoạch; tăng quy mô khai thác khoáng sản; có giải pháp điều chỉnh chủ trương đầu tư; đảm bảo tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo cho rằng cần thực hiện mục tiêu giảm giá vật liệu xây dựng để đáp ứng nhu cầu các công trình của tỉnh và của người dân. Đồng chí đề nghị Sở Xây dựng, các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, bổ sung các mỏ đá có quy mô lớn, có địa điểm phân bố hợp lý vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong thời gian tới; đồng thời nghiên cứu bổ sung tiêu chí về quy mô khai thác đối với các mỏ đá đề xuất bổ sung quy hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng để hạn chế tình trạng khai thác nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả. Xác định các quy hoạch trên cơ sở dự báo nhu cầu đầu tư; tính toán, bổ sung thêm nhu cầu các dự án lớn của tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực kê khai, công khai, niêm yết giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
VLXD.org (TH/ CTT Cao Bằng)