Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ thông tin, kinh nghiệm mới nhất về công nghệ, kỹ thuật xử lý
bùn thải, thu hồi năng lượng của Việt Nam, của Tập đoàn Veolia và các nước trên thế giới.
Các đại biểu tham dự buổi Hội thảo Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết tại Hội thảo: hiện có khoảng trên 80% hộ gia đình ở Việt Nam có các công trình vệ sinh và bể tự hoại. Việc thu gom bùn thải từ mạng lưới thoát nước và thông hút từ bể tự hoại đã được triển khai tại nhiều đô thị. Khối lượng bùn thải phát sinh từ mạng lưới thoát nước được nạo vét, thu gom và vận chuyển đến bãi chôn lấp chất thải. Bùn thải của nhà máy nước thải hiện nhiều nơi xử lý theo công nghệ ủ hiếu khí để chế biến thành phân hữu cơ. Bùn thải từ bể tự hoại được thu gom bằng xe chuyên dụng để chuyển tới nơi xử lý và xử lý bằng phương pháp sinh học hiếu khí tự nhiên và sản phẩm có thể làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ hoặc đổ thẳng ra bãi chôn lấp hoặc đổ thẳng ra hồ ao, sông ngòi không những đã làm ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân.
Trước thực trạng bùn thải và xử lý bùn thải tại Việt Nam, ông Mark Elliot - Giám đốc Tập đoàn Veolia Châu Á đã giới thiệu tới Hội thảo về Tập đoàn và các hoạt động trong lĩnh vực xử lý nước, nước thải và bùn của mình. Theo đó, Veolia là Tập đoàn đã có 160 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và triển khai các giải pháp xử lý nước, chất thải và sản xuất năng lượng cho nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu nâng cao hiệu quả cho các thành phố, lĩnh vực công nghiệp và tất cả người dân. Về xử lý nước thải và xử lý bùn, Veolia đã thay đổi cách suy nghĩ về quy trình xử lý khi trước đây chỉ chú trọng xử lý nước thải và giảm thiểu bùn thải thì hiện tại và tương lai quy trình xử lý với tiêu chuẩn cao hơn sẽ giúp tái sử dụng nước thải, tối đa hóa quá trình sản xuất bùn, thu hồi được tài nguyên bền vững có thể tái sinh. So với quy trình xử lý nước thải truyền thống, nhà máy xử lý nước thải được thiết kế để thu hồi năng lượng sẽ có tổng khối lượng bùn cao hơn 50%, khả năng sản xuất khí sinh học cao hơn 60-70% và lượng bánh bùn thải ra cuối cùng thấp hơn 25-30% sau khi phân hủy.
PGS.TS. Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng cho biết, bùn thải từ hệ thống thoát nước và đặc biệt từ các nhà máy xử lý nước thải có những thành phần hữu cơ rất lớn và có thành phần dinh dưỡng rất cao có thể tận dụng làm các nguồn phân bón có giá trị. Hiện nay chúng ta có hơn 20 nhà máy xử lý nước thải sử dụng các công nghệ khác nhau và đang hoạt động tại các đô thị. Nếu bùn được xử lý bài bản thì chi phí để xử lý bùn chiếm 30-50% chi phí xây dựng vận hành nhà máy xử lý nước thải
Tại Hội thảo, các chuyên gia kỹ thuật của Veolia cũng như các đại biểu cũng đã tiến hành thảo luận sôi nổi và chia sẻ nhiều thông tin về các vấn đề liên quan tới bùn thải, xử lý bùn thải và có những đánh giá tài chính về quá trình xử lý bùn thu hồi năng lượng. Tất cả các thông tin được chia sẻ đã đóng góp cho Bộ Xây dựng, chính quyền các đô thị, các nhà đầu tư và doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, tư vấn chuyên môn trong định hướng quy hoạch, xây dựng dự án, đánh giá tính khả thi về công nghệ và mô hình tổ chức, quản lý bùn cặn từ hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.
Theo Bộ Xây dựng