Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, công nghiệp xi măng là một trong số ít ngành công nghiệp được đầu tư sớm tới Việt Nam. Sau 30 năm đổi mới và phát triển ngành công nghiệp xi măng nói chung, sản xuất vật liệu xây dựng nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc, với quy mô công xuất 100 triệu tấn/năm, hiện xi măng nước ta đã vào TOP 5 của thế giới về sản lượng.
Sản xuất xi măng cũng là ngành công nghiệp vật liệu xây dựng góp phần đáng kể trong xử lý môi trường bằng việc tận dụng chất thải từ các nhà máy nhiệt điện, luyện kim, hóa chất. Nhiều chất thải như xỉ hạt lò cao, xỉ và tro bay của các nhà máy nhiệt điện, xỉ pyrite, thạch cao được thu hồi từ các nhà máy hóa chất đã được xử dụng làm nguyên liệu phụ gia trong sản xuất xi măng.
Cũng theo ông Nga, hiện nay ở Việt Nam phải thu gom và xử lý 15 triệu tấn rác thải sinh hoạt ở đô thị và nông thôn. Theo thống kế năm 2015, thì gần 80% lượng rác thải này được xử lý bằng cách chôn lấp và chỉ 20% được xử lý bằng thiêu hoặc tái chế, song nếu tiếp tục xử lý theo hướng này thì rất khó khăn do qũy đất để chôn lấp, nhất là tại các đô thị ngày hạn chế.
Nếu các cơ sở sản xuất xi măng sử dụng rác thái sinh hoạt làm nguyên liệu thay thế các loại phụ gia khai thác từ nguyên liệu tự nhiên sẽ đem lại hiệu quả lớn trong việc xử lý môi trường và tận thu được nguồn năng lượng đang bị lãng phí, ông Tống Văn Nga nói.
Quang cảnh buổi Hội thảo.
Tại Hội thảo, Loesche GmbH - Công ty chuyên cung cấp các thiết bị quan trọng cho ngành xi măng, điện, thép với nhiều dự án thành công trên khắp thế giới đã chia sẻ một số kinh nghiệm về chuyển giao công nghệ thu gom và xử lý chất thải làm nhiên liệu thay thế cho sản xuất xi măng. Đây cũng là Công ty đã cung cấp thiết bị nghiền nguyên liệu, nghiền than và nghiền clinker cho các nhà máy ximăng thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, liên doanh Xi măng Nghi Sơn, các nhà máy Xi măng Công Thanh, Long Sơn (Thanh Hóa), Cẩm Phả (Quảng Ninh), Xuân Thành, Sông Lam...
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự được nghe các báo cáo về hiện trạng xử lý chất thải sinh hoạt ở Việt Nam, các quy tắc và quy định liên quan, đồng thời thảo luận về các khía cạnh tài chính (thuế, phí thải chất thải, thu hồi vốn đầu tư - ROI), kỹ thuật (quản lý công nghệ, thiết bị); chất lượng (xi măng, nhiên liệu thay thế).
Trong bối cảnh gia tăng dân số và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao, lượng chất thải công nghiệp và sinh hoạt ở các khu công nghiệp và đô thị Việt Nam ngày càng tăng nhanh, thì việc xử lý chất thải nhằm hạn chế ô nhiễm, đảm bảo môi trường sống xanh, sạch, đẹp đang là vấn đề hết sức nóng bỏng hiện nay. Việt Nam cần tìm hiểu và sớm lựa chọn được công nghệ xử lý chất thải tối ưu, phù hợp với điều kiện nước ta, trong đó việc xử lý, tận thu chất thải làm nhiên liệu thay thế cho sản xuất xi măng là một vấn đề thiết thực, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
VLXD.org (TH)