Ngày 2/7, Bộ Xây dựng tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu, xây dựng bộ công cụ đánh giá cấp chứng nhận sản phẩm vật liệu xây dựng xanh. Áp dụng thử nghiệm cho xi măng và sứ vệ sinh” (mã số RD 50-18) do Viện Vật liệu xây dựng chủ trì thực hiện. PGS.TS. Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Về sự cần thiết thực hiện đề tài, KS. Lê Cao Chiến, chủ nhiệm đề tài cho biết, sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh đang là xu hướng phát triển ngành vật liệu xây dựng trên toàn cầu. Việt Nam đã có chủ trương phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh, nhằm tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, nhiên liệu, năng lượng, thân thiện môi trường và giảm phát thải nhà kính, nhưng kết quả thực hiện vẫn còn hạn chế. Hiện nay, ngành sản xuất vật liệu xây dựng vẫn chưa có cơ chế để các bên liên quan, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và các cơ quan quản lý có thể theo dõi, đánh giá xem các sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu sản phẩm xanh hay không. Do đó, việc nghiên cứu xây dựng bộ công cụ đánh giá cấp chứng nhận sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, trong đó bước đầu tập trung thử nghiệm áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng và sứ vệ sinh là rất cần thiết. Đây là sự kế thừa kết quả đề tài “Xây dựng tiêu chí và quy trình chứng nhận sản phẩm xanh cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng” thực hiện năm 2016 - 2017.
Báo cáo tổng kết đề tài gồm có 4 chương. Trong chương 1 “Quy trình và tiêu chí dán nhãn vật liệu xây dựng xanh”, nhóm đề tài đã cung cấp các thông tin về quy trình chứng nhận và quy trình dán nhãn, danh mục các văn bản cần thiết trong bộ hồ sơ tham gia đánh giá chứng nhận sản phẩm vật liệu xây dựng xanh. Chương 2 “Xây dựng công cụ đánh giá nhãn vật liệu xây dựng xanh cho sản phẩm xi măng và sứ vệ sinh” đưa ra các nguyên tắc tiếp cận để xây dựng bộ công cụ đánh giá các tiêu chí chứng nhận vật liệu xây dựng xanh. Nhóm đã tổng hợp và đưa ra 9 nguyên tắc để xây dựng bộ công cụ đánh giá, đồng thời xây dựng được hai bộ công cụ đánh giá áp dụng cho nhóm sản phẩm xi măng và sứ vệ sinh. Chương 3 “Sử dụng bộ công cụ đánh giá thử sản phẩm xi măng và sứ vệ sinh” tập trung đánh giá thử nghiệm áp dụng các tiêu chí đánh giá tại một số công ty xi măng và công ty sản xuất sứ vệ sinh. Qua thử nghiệm, nhóm đề tài đã xác định mức độ khả thi của các tiêu chí đã đề xuất, từ đó xây dựng các văn bản cần thiết để chương trình dán nhãn vật liệu xây dựng xanh áp dụng vào thực tế. Trong chương 4, nhóm đề xuất nội dung dự thảo thông tư dán nhãn vật liệu xây dựng xanh.
Nhận xét về đề tài, các chuyên gia phản biện của Hội đồng – TS. Thái Duy Sâm (Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam) và TS. Lương Quang Huy (Trưởng phòng Giám sát Phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, nhìn chung đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo nhiệm vụ được giao với hai sản phẩm chính là Bộ công cụ đánh giá sản phẩm vật liệu xây dựng xanh và Dự thảo văn bản cấp bộ của Bộ Xây dựng ban hành công cụ đánh giá sản phẩm vật liệu xây dựng xanh. Tuy nhiên, đề tài là sự kế thừa và phát huy các kết quả đã đạt được của đề tài “Xây dựng tiêu chí và quy trình chứng nhận sản phẩm xanh cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng” đã được thực hiện năm 2016 - 2017 nên nhóm đề tài cần bổ sung các thông tin tóm tắt về kết quả của đề tài nói trên cũng như các kết quả kế thừa. Cần làm rõ lý do lựa chọn hai đối tượng thử nghiệm là xi măng và sứ vệ sinh; tách riêng từng phần thí điểm để người đọc dễ theo dõi. Hội đồng cũng đề nghị nhóm đề tài làm rõ hơn khái niệm về “bộ công cụ đánh giá nhãn vật liệu xây dựng xanh”; cần thống nhất thuật ngữ “bộ công cụ” hay “công cụ”; rà soát và chỉnh sửa các lỗi trình bày báo cáo.
Phát biểu kết luận, PGS.TS. Vũ Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị nhóm đề tài tiếp thu ý kiến của Hội đồng, bổ sung trong báo cáo chương Tổng quan với các nội dung: tình hình xây dựng và sử dụng Bộ công cụ đánh giá chứng nhận để dán nhãn vật liệu xây dựng xanh nói chung, cho sản phẩm xi măng và sứ vệ sinh nói riêng trên thế giới và ở Việt Nam. Về cơ sở pháp lý đề xuất Dự thảo thông tư dán nhãn vật liệu xây dựng xanh, đề nghị nhóm đề tài viện dẫn các văn bản quy phạm pháp luật mới nhất về Luật Xây dựng, Luật Môi trường.
Đề tài đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu, với kết quả xếp loại Khá.
VLXD.org (TH/ BXD)
Ý kiến của bạn