Trước yêu cầu phát triển kinh tế xã hội vùng biển đảo theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ xây dựng đã giao Vụ vật liệu xây dựng triển khai thực hiện Đề án “Nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025” từ tháng 8/2017 và cơ bản hoàn thiện vào tháng 10/2018.
Chủ nhiệm Đề án, Thạc sỹ Lương Văn Hùng cho biết: “Đề án “Nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025” bao gồm 4 nội dung chính: Tổng kết, đánh giá hiện trạng các nguyên nhân, cơ chế ăn mòn các công trình ven biển và hải đảo; Tình hình nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng cho công trình ven biển và hải đảo ở Việt Nam hiện nay; Tình hình xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến vật liệu sử dụng trong công trình ven biển và hải đảo; Tình hình nghiên cứu, sử dụng và sử dụng vật liệu xây dựng cho công trình ven biển và hải đảo của thế giới”.
Toàn cảnh Hội thảo Đề án.
Sau điều tra, nghiên cứu kỹ những nội dung trên, Vụ Vật liệu xây dựng sẽ xây dựng định hướng phát triển vật liệu xây dựng biển đảo ở Việt Nam, với quan điểm, mục tiêu phát triển và những giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể nhằm phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển, hải đảo đến năm 2025.
Sau khi hoàn thiện Đề án, Bộ Xây dựng đã gửi văn bản xin ý kiến đóng góp của 48 cơ quan về Thuyết minh Đề án, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Tờ trình của Chính phủ, bao gồm 14 Bộ và cơ quan ngang Bộ; 28 Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển và hải đảo; 6 Vụ, Viện, Tổng cục, Hiệp hội có liên quan.
Bộ Xây dựng đã nhận được hơn 34 ý kiến đóng góp cụ thể từ 34 cơ quan Bộ, ngành, địa phương. Trong đó, các cơ quan đều cơ bản nhất trí với nội dung và sự cấp thiết phải xây dựng Đề án, nhưng cũng có 28 ý kiến đề nghị Vụ Vật liệu xây dựng tiếp tục bổ sung, làm rõ 6 vấn đề của Đề án, bao gồm: Phạm vi đối tượng nghiên cứu; Nhóm ý kiến về tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức; Giải pháp cơ chế chính sách; Nguồn vốn để phát triển vật liệu xây dựng biển đảo; Giải pháp tổ chức thực hiện; Các nhiệm vụ trong danh mục.
Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tập trung làm rõ và tiếp tục thảo luận tại hội thảo về đối tượng phạm vi nghiên cứu của Đề án, tập trung nghiên cứu, ưu tiên phát triển một số loại vật liệu xây dựng sử dụng cho bê tông, bê tông cốt thép, vật liệu xây, sơn xây dựng, tấm lợp composite, cát nhiễm mặn, sử dụng chất thải công nghiệp, chất thu hồi nạo vét để sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu mới.
Bộ Giao thông Vận tải và một số Sở Xây dựng địa phương cũng kiến nghị, Ban soạn thảo cần tính toán số liệu chi tiết về nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng ở các công trình ven biển, hải đảo để xây dựng các mục tiêu cụ thể trong Quyết định và cần có các giải pháp đi kèm khả thi trong thực tế.
Vấn đề sử dụng chất thải công nghiệp, vật liệu thu hồi từ các dự án nạo vét, tuy giải quyết được vấn đề thay thế cát tự nhiên, giảm thiểu tác động môi trường khi nhấn chìm vật chất nạo vét, nhưng cũng phải được xem xét để tránh tình trạng các địa phương ven biển thi nhau lấn biển, đổ phế thải ra biển, gây tác động xấu đến môi trường biển.
Về tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật của Đề án, Ban soạn thảo phải rà soát tiến độ, ban hành tiêu chuẩn, hướng dẫn, thiết kế thi công và sử dụng vật liệu cho các công trình ven biển, hải đảo cho phù hợp đảm bảo áp dụng kịp thời các thành tựu về khoa học kỹ thuật vật liệu và đặc biệt là các vật liệu cơ bản để đáp ứng tỷ lệ sử dụng theo nội dung đề ra.
Thực tế, việc nghiên cứu sử dụng vật liệu cho vùng biển để kết luận vật liệu đó có bền lâu, chịu được tác động trong môi trường biển cần thời gian nghiên cứu, theo dõi, đánh giá trong nhiều năm. Chính vì vậy, việc Đề án giới hạn thời gian đến năm 2025 sẽ biên soạn các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng vật liệu cho công trình vùng biển dường như hơi gấp gáp, có thể khó thực hiện và thời gian ngắn cũng chưa đủ độ tin cậy để kết luận.
Mặt khác, Đề án cũng cần nghiên cứu lộ trình quy định việc xây dựng các công trình hạ tầng trên biển, đảo tuân thủ các Tiêu chuẩn Việt Nam đã ban hành về chống ăn mòn trong xây dựng kết cấu bê tông cốt thép, đồng thời tiếp tục nghiên cứu áp dụng thêm các tiêu chuẩn khác có liên quan đến sản phẩm vật liệu xây dựng sử dụng trên biển, đảo.
Nếu thực hiện được những việc làm trên, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sẽ nhìn nhận được thị trường và chủ động thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng, đổi mới công nghệ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh việc thực hiện một số ưu đãi cho chủ đầu tư, người sử dụng các chủng loại vật liệu xây dựng công trình biển hải đảo để kích thích sản xuất ở trong nước, Đề án cũng phải xây dựng các quy định, chế tài nghiêm khắc đối với chủ đầu tư trong việc sử dụng vật liệu xây dựng không đảm bảo thiết kế và tiêu chuẩn cho công trình biển và hải đảo.
Các cơ Bộ, ngành và địa phương cũng đề nghị Ban soạn thảo xác định cụ thể các nhiệm vụ cần thực hiện để có cơ sở xây dựng kế hoạch chi tiết và bố trí nguồn vốn từ Ngân sách của Nhà nước.
Về trách nhiệm của các Bộ ngành liên quan trong Đề án, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị bỏ nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ “Chỉ đạo các Ngân hàng xem xét ưu tiên vốn cho các dự án sản xuất vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường phục vụ cho các công trình ven biển và hải đảo” để phù hợp với quy định, không chồng chéo.
Bộ Tài chính cũng đề nghị thay đổi giải pháp nghiên cứu các chính sách ưu đãi đầu tư, sử dụng vật liệu xây dựng biển đảo; ưu đãi giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất và thuế, phí khác để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Đề án phát triển vật liệu xây dựng biển đảo trong năm 2019, vì không có khoản phí nào cần phải có chính sách giảm để phát triển vật liệu xây dựng biển đảo. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện các ưu đãi về tiền thuê đất cho vật liệu xây dựng theo quy định hiện hành.
Về các nhiệm vụ trong danh mục, một số Bộ cũng đề nghị tập trung xem xét tính ưu tiên lựa chọn một số nhiệm vụ quan trọng, cấp để ưu tiên thực hiện, vì danh mục các nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong Đề án khá nhiều, nhưng thời hạn thực hiện chủ yếu tập trung ở giai đoạn 2019 - 2022, tính khả thi không cao.
Tại Hội thảo, đại diện các Bộ, Ngành địa phương cũng trực tiếp đóng góp nhiều ý kiến để Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Đề án.
Bộ Quốc phòng kiến nghị xem xét tiến độ xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn và làm rõ một số thuật ngữ; Hội bê tông Việt Nam kiến nghị Ban soạn thảo quan tâm đặc biệt đến kết cấu chịu lực và tận dụng những tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế; Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đánh giá phạm vi và đối tượng nghiên cứu quá rộng, cần tập trung vào những vật liệu cốt yếu, Văn phòng Chính phủ đề nghị rà soát lại danh mục các nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng để tránh lãng phí Ngân sách của Nhà nước.
Về phía địa phương, Sở xây dựng Quảng Ninh kiến nghị xây dựng hàng rào kỹ thuật để phục vụ nhu cầu xây dựng tại địa phương, song song với việc thực hiện Đề án và đề nghị làm rõ định nghĩa các công trình ven biển, đảo. Sở xây dựng TP Hồ Chí Minh chỉ ra bất cập của việc nhiều cơ quan cùng chủ trì một nội dung trong danh mục các nhiệm vụ cần thực hiện, đề nghị thống nhất 1 cơ quan chủ trì và các cơ quan khác phối hợp thực hiện. Sở Xây dựng Hà Tĩnh thì nhận xét tên đề tài quá lớn, nhưng phạm vi lại hẹp hơn và đề nghị xác định rõ đặc tính của vùng biển Việt Nam để phát triển vật liệu xây dựng phù hợp.
Về phía các học giả trong ngành, trường Đại học Bách Khoa đề nghị Ban soạn thảo xây dựng các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ và bắt buộc xây dựng các công trình sử dụng vật liệu phục vụ môi trường biển đảo. Trong khi đó, trường Đại học Mỏ địa chất kiến nghị sử dụng một số thuật ngữ phù hợp hơn, và tổ chức đánh giá các nghiên cứu hiện nay ở Việt Nam về tình trạng ăn mòn, phá hủy các công trình ven biển, đảo.
Kết luận về hội thảo, Vụ trưởng Phạm Văn Bắc tái khẳng định tính cấp thiết của Đề án “Nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025” trong việc đáp ứng nhu cầu sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng biển đảo, hoàn thiện các quy định, chính sách liên quan đến nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng cho các công trình biển đảo, nâng cao chất lượng công trình biển đảo, tăng độ bền, tiết kiệm chi phí cho các công trình biền đảo.
Để có cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện Đề án, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu tất cả những ý kiến đóng góp để sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện Đề án báo cáo Bộ Xây dựng ký trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2018.
VLXD.org (TH/ Xây dựng)