Theo Sở Xây dựng Thanh Hóa, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 18 dây chuyền sản xuất cát nhân tạo từ đá với tổng công suất 1.390.000m3/năm. Trong đó các doanh nghiệp sở hữu dây chuyền có công suất lớn là Công ty TNHH Hoàng Tuấn, Công ty TNHH MTV Tân Thành 2, Công ty CP Nghi Sơn 36, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hà Liên...
Cát nhân tạo hoàn toàn có thể thay thế được cát tự nhiên làm vật liệu xây dựng thông thường.
Những doanh nghiệp này đều có dây chuyền sản xuất với công suất đăng ký là 150.000m3/năm và được cấp phép khai thác mỏ đá, hoặc sản xuất bê tông tươi thương phẩm.
Theo một số chủ doanh nghiệp, mức đầu tư mới mỗi dây chuyền có công suất lớn (trên 100.000m3/năm) dao động từ trên 10 tỷ đến dưới 20 tỷ đồng, chủ yếu nhập từ nước ngoài. Sản phẩm cát nhân tạo được nghiền từ đá cũng đã được cấp có thẩm quyền công nhận hợp quy theo quy định hiện hành.
Trong khi cát nhân tạo được đánh giá là hạt đồng đều hơn, đảm bảo cường độ đá, không có tạp chất vì quá trình nghiền đã được sục rửa nhiều lần, giúp tiết kiệm xi măng và rút ngắn thời gian thi công, tăng tuổi thọ công trình. Tuy vậy việc tiêu thụ sản phẩm này mới chỉ dừng lại ở mức độ nội bộ doanh nghiệp. Có nghĩa, doanh nghiệp tự sản xuất và tự tiêu thụ cho nhu cầu sử dụng của mình.
Công ty CP Nghi Sơn 36 tại Cụm Công nghiệp Vức, TP Thanh Hóa đã đầu tư và đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất cát nhân tạo từ tháng 9/2023 với trị giá hơn 10 tỷ đồng. Nguồn nguyên liệu đầu vào được công ty chọn lựa khá kỹ từ các mỏ đá tại thị xã Nghi Sơn và thị trấn Yên Lâm (Yên Định). Quá trình sản xuất, đá được sục rửa qua 3 lần nước với áp lực cao để loại bỏ tạp chất cũng như mạt đá.
Theo ông Trịnh Đình Sáng, Phó Giám đốc Công ty CP Nghi Sơn 36, mặc dù dây chuyền có thể sản xuất đạt 90m3 - 120m3/h, nhưng trung bình mỗi ngày công ty chỉ vận hành máy trong khoảng 8 tiếng, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu sản xuất bê tông tươi thương phẩm của mình.
Trong khi đó, nếu sản xuất thêm thì nguồn vật liệu xây dựng này sẽ trở nên dư thừa. Bởi cho đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được đơn đặt hàng hay lời hỏi mua cát nhân tạo để sản xuất gạch không nung, hay là cát xây dựng công trình. Lý do theo ông Trịnh Văn Sáng là chủ yếu do tâm lý người tiêu dùng còn e ngại cát nhân tạo, thiên nặng về cát tự nhiên. Trong khi đó, sản phẩm bê tông tươi thương phẩm của Công ty CP Nghi Sơn 36 được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Tân Thành 2 với 2 dây chuyền sản xuất cát nhân tạo, tại huyện Cẩm Thủy và Hà Trung cũng chỉ để phục vụ nhu cầu của mình là chính. Dây chuyền đặt tại xã Hà Sơn (Hà Trung) được đầu tư bài bản, hiện đại hơn, có thể nghiền và cho ra 5 loại đá vật liệu xây dựng, trong đó có cát nhân tạo.
Việc đầu tư dây chuyền này vừa giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu sản xuất bê tông tươi, vừa tận thu được đá gãy vỡ trong quá trình khai thác đá. Trên dây chuyền, đá nguyên liệu được sục rửa bằng nước áp lực cao trước khi nghiền và tiếp tục rửa sau quá trình nghiền, nên cát nhân tạo khá đồng đều về kích thước hạt và không còn tạp chất.
Tuy nhiên, theo phó giám đốc công ty, ông Lê Đức Vũ, hiện tại sản phẩm cát nghiền chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất bê tông tươi thương phẩm của công ty, một phần được bán ra tỉnh Ninh Bình cho doanh nghiệp sản xuất bê tông tươi hoặc làm cát xây dựng. Giá bán cát nhân tạo thấp hơn nhiều so với cát tự nhiên, trong khi lại tiết kiệm được xi măng trong quá trình xây dựng.
Với nhiều tính ưu việt, cát nhân tạo đang được đánh giá là giải pháp “xanh” cho ngành xây dựng. Để kích cầu sản xuất, Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách kích thích sản xuất. Ở Thanh Hóa, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND về “Chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”.
VLXD.org (TH)