Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị.
Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết hàng loạt doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) đang gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có nhiều đại gia có tên tuổi như Novaland, Phú Long, Lê Thành, Him Lam, Quốc Cường Gia Lai…
Tập đoàn Novaland trong quá trình phát triển các dự án đã gặp những khó khăn vướng mắc trong các chính sách pháp luật liên quan đến quản lý đất đai. Các dự án Novaland đang gặp khó khăn gồm: Khu chung cư Cô Giang, Trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ (phường 6, quận 4); Khu cao ốc căn hộ thương mại tại phường Thảo Điền (quận 2); cao ốc thương mại và căn hộ tại phường 25 (quận Bình Thạnh), 7 dự án tại khu vực quận Phú Nhuận và dự án 30,2 ha tại phường Bình Khánh (quận 2).
Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long đang gặp khó khăn về bồi thường giải phóng mặt bằng. Trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) từ năm 2004 để thực hiện Dự án Dragon City, DN đã thanh toán và được cấp "sổ đỏ" nhưng một số hộ dân không chịu di dời. Còn công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Him Lam là chủ đầu tư dự án thành phần Khu nhà ở Him Lam (phường Phước Bình, quận 9) đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2003 và hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực dự án từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được giao đất để thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm sổ đỏ cho người mua.
Ông Lê Hữu Nghĩa, giám đốc Công ty Lê Thành, chia sẻ khó khăn khi lập thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TPHCM). Dự án có quy mô hơn 2.100 căn hộ. DN nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư gần 1 năm nay nhưng chưa hoàn thành bởi các sở ban ngành chưa tìm ra hướng tháo gỡ về quy hoạch cho dự án. Cụ thể, khu vực Công ty Lê Thành xin lập dự án được quy hoạch chức năng nhà cao tầng, tối đa 15 tầng và mật độ xây dựng 30%. Tuy nhiên hệ số sử dụng đất chỉ cho 2 nên chủ đầu tư không làm được….
Nghe ông Lê Hữu Nghĩa giải bày, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bức xúc: "Chỉ có chuyện trao đổi chỉ tiêu quy hoạch mà kéo dài gần 1 năm, chuyện đó giải quyết chỉ cần một tuần thôi. Tôi nói đây là sự phối hợp không đồng bộ giữa các sở để giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp. Làm được hay không thì báo cho người ta biết. Doanh nghiệp rất khó khăn. Họ vay ngân hàng làm dự án mà thủ tục kéo dài như thế này càng khó khăn hơn. Rất nhiều chuyện như vậy chứ không chỉ câu chuyện của Lê Thành hôm nay. Tôi không đủ thời gian kể ra đây chứ các đồng chí đừng nghĩ tôi không biết. Giờ đây phải chấn chỉnh lại, chúng ta hứa được phải làm được. Nói là hỗ trợ doanh nghiệp nhưng các đồng chí xem lại hành động của mình xem có đúng không", ông Phong nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết chiến lược của thành phố là tập trung phát triển các DN đầu ngành, thúc đẩy hình thành các DN lớn để nâng sức cạnh tranh. Điều này đòi hỏi thành phố phải có cơ chế chính sách đặc biệt với các DN lớn và những chính sách riêng đối với DN BĐS tại thành phố. Hiện nay, TPHCM có 415.000 DN, trong đó có gần 15.000 DN BĐS. Trong tổng số 9.000 DN lớn thì có hơn 30% DN BĐS. Tuy chỉ chiếm 2% tổng số DN nhưng các DN lớn (chỉ khoảng 700 DN có vốn đăng ký từ 1.000 tỷ đồng trở lên) chiếm 70% tổng số vốn đăng ký và góp hơn 80% đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết tăng trưởng bình quân của DN BĐS giai đoạn 2015 - 2019 là 4,3%, thấp hơn tăng trưởng GDP. Trong năm 2019, TPHCM chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với cùng kỳ; 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; trong đó chỉ có 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới. Ngoài ra, có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn, giảm 30 dự án. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Cùng với đó, nhiều dự án trong quá trình thanh tra, kiểm tra, rà soát thủ tục pháp lý, dẫn đến việc đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ.
VLXD.org (TH/ Tiền phong)