Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại buổi lễ.
Theo nội dung diễn văn kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội VLXD Việt Nam do ông Tống Văn Nga – Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam trình bày tại buổi lễ, Hội VLXD Việt Nam tiền thân là Phân Hội Vật liệu và cấu kiện xây dựng, thành lập ngày 11/8/1984 theo Quyết định số 395/TWH của Trung ương Hội KHKT Xây dựng Việt Nam (nay là Tổng hội Xây dựng Việt Nam). Ngày 30/8/2004, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 57/2004/QĐ-BNV đổi tên là Hội VLXD Việt Nam.
Hiện nay, Hội đã có 100 Hội viên cá nhân và 152 Hội viên tập thể là các Tổng Cty, Cty, Viện nghiên cứu, nhiều đơn vị tổ chức nước ngoài là Hội viên liên kết của Hội. Đồng thời các Hội VLXD địa phương và các Hiệp hội, Chi hội VLXD chuyên ngành đã và đang được thành lập, hoạt động có hiệu quả.
Với tôn chỉ mục đích là tư vấn, phản biện, giám định xã hội; phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực VLXD và các lĩnh vực liên quan, hoạt động của Hội VLXD Việt Nam luôn gắn liền với sự phát triển của ngành VLXD nước nhà. Hội VLXD luôn tham gia vào việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm kỹ thuật liên quan đến quản lý, sản xuất, kinh doanh VLXD, bảo vệ tài nguyên, môi trường; đề xuất các biện pháp kích cầu sản xuất VLXD trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu qua các diễn đàn trong nước và quốc tế; tư vấn đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế một phần gạch đất sét nung. Hội cũng thường xuyên cung cấp các thông tin về các thành tựu khoa học công nghệ VLXD đến các Hội viên và cộng đồng để ứng dụng vào thực tế.
Ban Chấp hành khóa VII ra mắt Đại hội.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao sự trưởng thành và phát triển của Hội VLXD. 35 năm qua, với tính chất là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hội VLXD Việt Nam đã thể hiện rất tốt vai trò phản biện xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hội viên.
Hội là cầu nối giữa quản lý Nhà nước với doanh nghiệp, phản ánh kịp thời các yêu cầu bức thiết của doanh nghiệp. Hàng trăm cuộc hội thảo đã được Hội và các Hiệp hội chuyên ngành tổ chức nhằm tìm kiếm, phổ biến, khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã, chủng loại sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm VLXD Việt Nam, không ngừng vươn lên để biến ngành VLXD thành một ngành công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường.
Thứ trưởng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ mới Hội VLXD Việt Nam cần tiếp tục thực hiện chức năng tư vấn và phản biện xã hội đối với những vấn đề liên quan đến khoa học và công nghệ, đầu tư phát triển VLXD. Đóng góp ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước về chủ trương chính sách phát triển khoa học và công nghệ, quy hoạch đầu tư phát triển ngành công nghiệp VLXD Việt Nam và Chiến lược phát triển VLXD trong thời gian tới; Nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nâng cao trình độ khoa học công nghệ để phát triển bền vững, nâng cao năng suất, giảm mức tiêu hao nguyên liệu, phát triển VLXD theo hướng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường; Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Hội viên theo quy định của pháp luật; Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước nhằm trao đổi kinh nghiệm để phát triển công nghệ VLXD; Tăng cường tuyên truyền quảng bá, thúc đẩy các chương trình đề án liên quan đến VLXD…
Thay mặt cho lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng chúc mừng những thành tựu, hoạt động và đánh giá cao sự cống hiến hết sức mình của các thành viên trong Hội VLXD trong những năm qua để có được những thành tựu như hôm nay.
Ngay sau Lễ kỷ niệm, Hội VLXD Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, nhằm đánh giá các mặt công tác trong nhiệm kỳ qua (2014 - 2019), thảo luận phương hướng hoạt động trong thời gian tới và bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới (2019 - 2024).
Theo báo cáo tại Đại hội, nhiệm kỳ 2014 - 2019 dù còn nhiều khó khăn, song Hội VLXD Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh các mặt hoạt động. Đặc biệt là công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội, tổ chức hội thảo khoa học, triển khai đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Nhờ đó, các hoạt động của Hội đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đóng góp hiệu quả cho ngành Xây dựng nói riêng và cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung.
Trong 5 năm (2014 – 2019), Hội đã tổ chức 30 hội thảo chuyên đề về VLXD nhằm phổ biến các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Bộ Xây dựng về phát triển vật liệu xây không nung nói riêng và VLXD nói chung. Sau một số cuộc hội thảo, Hội đã có văn bản báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành có liên quan, kiến nghị về những giải pháp Nhà nước cần thực hiện, để tháo gỡ khó khăn giúp các doanh nghiệp VLXD ổn định và phát triển sản xuất.
Hội cũng thường xuyên mở rộng quan hệ hợp tác, tiếp xúc với các đối tác nước ngoài để phát triển sản xuất vật liệu mới. Đến nay, Hội đã có quan hệ với trên 20 nước và vùng lãnh thổ, hơn 40 hãng nước ngoài để đưa các công nghệ mới, sản xuất VLXD mới vào áp dụng trong nước, góp phần đưa công nghiệp VLXD phát triển.
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của ngành và đối chiếu tôn chỉ mục đích của tổ chức Hội còn phải cố gắng nhiều hơn nữa mới mong đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của Hội viên và toàn xã hội. Để thực hiện tốt hơn nữa tôn chỉ mục đích của mình, trong nhiệm kỳ VII Hội VLXD sẽ không ngừng mở rộng và đổi mới hoạt động, tập hợp ngày càng đông đảo lực lượng hoạt động đa lĩnh vực, ứng dụng các thành tựu mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong sản xuất, kinh doanh VLXD nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành VLXD Việt Nam.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội VLXD Việt Nam nhiệm kỳ VII (2019 – 2024) gồm 74 thành viên, bầu Ủy ban Kiểm tra và bầu Đoàn Chủ tịch gồm 1 Chủ tịch, 16 Phó Chủ tịch, 23 Ủy viên Đoàn Chủ tịch. Ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam nhiệm kỳ 2014 - 2019 được tín nhiệm bầu tái giữ chức Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024.
VLXD.org (TH/ Xây dựng)