Tới dự Hội nghị có sự tham dự của ông Hoàng Hữu Tân - Phó vụ trưởng Vụ VLXD; ông Lê Trung Thành, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện VIBM; cùng đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia đến từ các Hiệp hội gốm sứ, tấm lợp Việt Nam… và toàn thể các cán bộ nghiên cứu của VIBM.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Trung Thành – Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện VIBM cho biết, khoa học và công nghệ luôn đóng vai trò chủ đạo để tạo bước phát triển đột phá, nâng cao năng lực hoạt động tạo nên thương hiệu của Viện VIBM. Hoạt động khoa học và công nghệ là chức năng và nhiệm vụ quan trọng nhất trong suốt quá trình phát triển của Viện VIBM.
Ông Lê Trung Thành, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện VIBM phát biểu tại Hội nghị.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ được đặc biệt chú trọng nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ quản lý và phát triển ngành VLXD trong tình hình mới, phù hợp với mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển Viện VIBM.
Trong nhiều năm, Viện đã thực hiện các nhiệm vụ tư vấn công tác quản lý VLXD và khoáng sản làm VLXD cho các địa phương. Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2018, Viện đã triển khai, hoàn thiện lập quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản làm VLXD cho 23 địa phương, như: Lai Châu, An Giang, Phú Yên, Hậu Giang, Nam Định…
Bên cạnh đó, Viện còn thực hiện công tác kiểm định chất lượng VLXD phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và sản xuất của các doanh nghiệp; công tác chứng nhận chất lượng sản phẩm VLXD phù hợp với tiêu chuẩn theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ; công tác chứng nhận hợp quy chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD theo QCVN 16:2017/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm hàng hóa VLXD và tham gia góp ý dự thảo các Nghị định, Thông tư của Nhà nước trong hoạt động nghiên cứu khoa học và quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực VLXD.
Viện trưởng Lê Trung Thành cho biết thêm, ngoài việc thực hiện nghiên cứu khoa học công nghệ trong nước, Viện còn tham gia nghiên cứu và hợp tác quốc tế, tổ chức các Hội thảo quốc tế.
Cơ bản các đề tài, dự án thực hiện theo tiến độ và đã được nghiệm thu cấp cơ sở theo hạn của hợp đồng, chất lượng nhiệm vụ khoa học công nghệ cũng được đánh giá cao. Hầu hết các đề tài, dự án được ứng dụng trong thực tế sản xuất, phục vụ công tác quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng và các địa phương.
Trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả và hoàn thành đúng tiến độ các đề tài, dự án khoa học công nghệ đang thực hiện, đồng thời sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý Nhà nước và phát triển VLXD, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và hội nhập quốc tế theo chiều sâu.
Hội nghị cũng được lắng nghe các bài báo cáo tiêu biểu của các đại biểu như: Nghiên cứu, sử dụng tro bay nhiệt điện chế tạo vật liệu và giải pháp thi công lớp phủ chống phát tán ô nhiễm và cứng hóa cho các bãi chất thải rắn công nghiệp; Nghiên cứu chế tạo gốm Cordierite – Zircon bền sốc nhiệt; Xây dựng tiêu chí và quy trình chứng nhận sản phẩm xanh cho ngành sản xuất VLXD; Thiết bị cầm tay Salinometer đo nhanh hàm lượng ion Cl cho bê tông tươi – Quantab; Gạch nhẹ bê tông – công nghệ ép tĩnh hai chiều đơn động; Chế tạo xi măng đóng rắn nhanh cường độ cao để sửa chữa các công trình xây dựng; Nghiên cứu chế tạo vật liệu chèn khe co giãn đường bê tông xi măng từ phế thải Bitum cốc hóa và phế thải lưu huỳnh.
Hội nghị khoa học công nghệ là hoạt động thường niên được tổ chức nhằm tổng kết các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, là diễn đàn trao đổi những kết quả nghiên cứu khoa học mới và khẳng định bề dày lịch sử, truyền thống nghiên cứu khoa học và những đóng góp của VIBM và của các nhà khoa học cho lĩnh vực VLXD nói riêng và ngành Xây dựng nói chung ngày một vững mạnh, phát triển bền vững và chủ động trong hội nhập quốc tế. Đặc biệt đây còn là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng kỷ niệm 49 năm thành lập Viện VIBM.
VLXD.org (TH/ Xây dựng)