Vừa qua, tại Hà Nội, Viện Vật liệu Xây dựng (VIBM) đã tổ chức Hội thảo tham vấn các nội dung đã thực hiện và dự thảo báo cáo “Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035” dưới sự chủ trì của Viện trưởng TS. Lê Trung Thành.
Hội thảo có sự tham dự của Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng; Các hiệp hội ngành nghề: Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Hiệp Hội Xi măng Việt Nam, Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam, Tổng Hội địa chất và khoáng sản Việt Nam; Các Sở xây dựng Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Quảng Ninh và Hải Phòng; Các Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh và Hải Phòng; Tổng Công ty Viglacera và Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam; Các trường Đại học có chuyên ngành liên quan; Các chuyên gia trong và ngoài Viện.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện về kết quả thực hiện các Quy hoạch khoáng sản làm xi măng (Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg và 1065/QĐ-TTg) và vật liệu xây dựng chủ yếu (Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg và 45/QĐ-TTg) trong cả nước; hiện trạng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu; nhu cầu sản xuất các loại vật liệu xây dựng chủ yếu có xét đến mức độ hài hòa về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường theo định hướng phát triển bền vững của nước ta... VIBM đã xây dựng phương án quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 với quan điểm chủ đạo về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, đồng thời tái sử dụng các nguồn phế thải công nghiệp luyện kim, nhiệt điện, phân bón, hóa chất,..dần thay thế tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng .
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý liên quan đến công tác quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng cần phải dựa vào chiến lược phát triển tổng thể ngành vật liệu xây dựng; tính toán nhu cầu khoáng sản làm vật liệu xây dựng một cách chính xác; cần cân đối với cung cầu khoáng sản theo từng thời kỳ; tiến bộ KHCN trong công tác khai thác mỏ để giảm thiểu tổn thất tài nguyên; lưu ý các vùng cấm, tạm cấm; công tác quy hoạch cần định hướng khai thác theo chiều sâu, hạn chế mở rộng theo chiều ngang; cần phối hợp với các địa phương để rà soát lại những vị trí điểm mỏ quy hoạch; lưu ý những tác động lâu dài về môi trường, xã hội, dân sinh lưu ý công tác xây dựng quy hoạch phải phù hợp với Luật Quy hoạch mới được Quốc hội ban hành.
VLXD.org (TH/ VIBM)
Ý kiến của bạn