Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Thùy Dung
Nguồn nguyên liệu dồi dàoTheo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại Hội thảo “Xuất khẩu xi măng hướng tới tăng trưởng bền vững” diễn ra ngày 23-4 tại Hà Nội, trình độ sản xuất vật liệu xây dựng của Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn các nước trong khu vực khoảng 10 năm nhưng tới thời điểm hiện nay đã đứng đầu Đông Nam Á, một số loại vật liệu còn đứng thứ 5 thế giới.
Ông Nam cho hay, năm 2009 Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu xi măng, năm 2010 xuất được 1,2 triệu tấn thì nhập 1 triệu tấn, nhưng chỉ 4 năm sau(2014) Việt Nam đã sản xuất được 71 triệu tấn và xuất khẩu được 21 triệu tấn, với kim ngạch gần 1 tỉ đô la Mỹ. "Kết quả này đạt được trong bối cảnh chưa có sự tác động nhiều về chính sách của nhà nước," ông Nam nói.
“Tuy nhiên, liệu xuất khẩu là giải pháp tình thế trong bối cảnh thị trường trong nước suy giảm, sản xuất dư thừa hay là đây là một sản phẩm xuất khẩu chủ lực, cần phải có chỉ đạo, điều hành và tạo điều kiện để phát triển ổn định, bền vững và lâu dài?” ông Nam đặt câu hỏi và tự trả lời: “Tôi thì ủng hộ xuất khẩu. Chúng ta có trên 12 tỉ tấn đá vôi, nếu sản xuất xi măng như hiện nay thì sử dụng hàng trăm năm cũng không hết. Liệu 20 năm nữa người ta có còn dùng xi măng không hay là dùng chất kết dính khác”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, hoạt động xuất khẩu xi măng đang đi vào nề nếp; chất lượng sản phẩm đã dần ổn định hơn và được các thị trường nhập khẩu ghi nhận. Xuất khẩu xi măng đã đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, góp phần điều tiết lượng hàng của ngành, cân đối cung cầu chứ không còn là giải pháp tình thế như trước đây.
Cạnh tranh chỉ bằng….hạ giáTuy nhiên, vấn đề lớn nhất đối với ngành xi măng hiện nay, theo thứ trưởng Nam, là các doanh nghiệp chỉ cạnh tranh bằng cách hạ giá mà không chú ý nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát triển thị trường.
Doanh nghiệp xuất khẩu xi măng hiện có quy mô nhỏ, mới bắt đầu gia nhập thị trường quốc tế nên còn thiếu kinh nghiệm trong buôn bán thương mại quốc tế, chưa đáp ứng hết các quy định khắt khe của nhà nhập khẩu.
Ông Nguyễn Anh Quân, trưởng Phòng thị trường, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), cho hay, những năm gần đây, Việt Nam nổi lên là thị trường xuất khẩu xi măng chính trong khu vực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành còn thiếu sự liên kết với nhau.
“Có những đối tác nói với chúng tôi rằng, chính các doanh nghiệp trong nước tự giết nhau vì cạnh tranh hạ giá sản phẩm chứ không phải do đối tác ép giá,” ông Quân kể và dẫn chứng thêm, giá xi măng thị trường thế giới trung bình lên 4 đô la Mỹ thì Việt Nam mới lên 1 đô la Mỹ, khi thị trường thế giới giảm nhẹ 0,5 đô la Mỹ thì Việt Nam lại giảm xuống 2 đô la Mỹ.
Trong thời gian tới, theo nhận định của các chuyên gia tại hội thảo, tình hình xuất khẩu xi măng sẽ không thuận lợi như năm 2014 do nguồn cung xi măng thế giới sẽ tăng mạnh và cạnh tranh trực tiếp với xi măng Việt Nam. Hiện một số nhà xuất khẩu chính trong khu vực sẽ tăng lượng xuất khẩu do nhu cầu trong nước thấp và có thêm dây chuyền mới đi vào hoạt động, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan hay Ấn Độ.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu tại một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam lại giảm xuống. Các thị trường như Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan nhu cầu nhập khẩu đều giảm hơn so với dự báo trước đó. “Theo cập nhập mới nhất, giá xi măng những tháng đầu năm 2015 đã giảm rất mạnh so với năm 2014,” ông Quân nói.
Do tính bấp bênh của thị trường, các chuyên gia cho rằng, cần phải có một chiến lược mang tính dài hạn để đưa xi măng thành một sản phẩm xuất khẩu có quy mô lớn, có giá trị cao, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Các doanh nghiệp xi măng tham gia hội thảo đề nghị cần có kênh thông thông tin để chia sẻ cho các doanh nghiệp, giảm thiệt hại cho các doanh nghiệp khi có biến động thị trường. Hơn nữa, cần có tác động nhất định để chi phí vận tải, cảng biển và giao nhận giảm hơn nữa.
Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho hay hiện nay Việt Nam đã ký 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với một số nước và khu vực, Việt Nam cũng đang trong quá trình đàm phán, tiến tới ký tiếp 7 FTA khác. Các FTA này đều nhằm mục đích mở cửa thị trường cho các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các nước đối tác ký kết hiệp định thông qua giảm thuế hoặc thuế suất về 0%. Do đó, các doanh nghiệp nên lưu ý khai thác xuất khẩu xi măng sang các nước đã ký kết FTA với Việt Nam.
Theo Thesaigontimes.vn