Những năm gần đây, hoạt động xây dựng tại Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh, đã tiêu thụ một khối lượng lớn vật liệu và xả một lượng lớn chất thải ra môi trường. Công nghệ xây dựng, công nghệ sản xuất vật liệu còn lạc hậu gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường…
Công trình xanh: Hướng phát triển bền vững
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, trước những thách thức nêu trên, việc xác định phương thức phát triển bền vững thông qua việc xây dựng công trình theo hướng xanh hóa là phù hợp và có ý nghĩa quan trọng.
Định hướng này cũng nhằm cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển công trình xanh, đô thị xanh theo hướng tích hợp các công nghệ mới, các giải pháp quản lý, quy hoạch, thiết kế, xây dựng và khai thác đảm bảo tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm phát thải và thân thiện với môi trường, góp phần vào giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Về mặt thể chế, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, cùng hệ thống văn bản dưới luật và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá công trình để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý và thúc đẩy phát triển công trình xanh trong cả nước.
Hiện Bộ Xây dựng chủ trì, giao Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam soạn thảo “Chiến lược Quốc gia về phát triển công trình xanh ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” nhằm cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.
30% công trình đạt tiêu chí xanh vào năm 2020
Nội dung dự thảo nhấn mạnh 9 nội dung: Tạo lập và phát triển thị trường xây dựng xanh; hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng cho phát triển CTX; xây dựng bộ tiêu chí CTX để làm cơ sở đánh giá và cấp chứng chỉ CTX; đào tạo, nâng cao năng lực thiết kế và công nghệ xây dựng CTX; các công trình được đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách cần đạt các tiêu chí CTX để làm gương đi đầu, thúc đẩy khu vực tư nhân; phát triển VLXD thân thiện môi trường, vật liệu tái chế, tái sinh nhanh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả vật liệu trong xây dựng công trình; sử dụng trang thiết bị trong nhà có hiệu quả năng lượng; sử dụng nguồn nước tiết kiệm, tái sử dụng nước thải, nước mưa và hướng dẫn cho toàn dân biết cách quản lý, vận hành và bảo dưỡng CTX.
Dự thảo đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 khoảng 30% công trình xây mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, 20% số lượng công trình xây mới và sửa chữa bằng nguồn vốn tư nhân đạt các tiêu chí xanh, giảm 10-15% mức tiêu thụ năng lượng vận hành công trình/m2 sàn so với năm 2010…
Phấn đấu đến năm 2030 con số này là 40% đối với công trình xây bằng vốn ngân sách nhà nước và 30% công trình xây bằng vốn tư nhân đạt tiêu chí xanh, mức tiêu thụ năng lượng đến năm 2030 giảm tiếp 5-10% so với năng 2020.
Hội thảo đã nhận được góp ý sâu sắc của nhiều đại biểu tham dự, trong đó tập trung làm rõ hơn nội dung chiến lược, vấn đề thu hút nguồn lực và xã hội hóa cũng như xây dựng bộ tiêu chí đánh giá… Sau hội thảo tham vấn ý kiến lần này, Dự thảo “Chiến lược Quốc gia về phát triển công trình xanh ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” sẽ được hoàn thiện và trình cấp thẩm quyền ban hành trong thời gian tới.
Theo chinhphu.vn