Đối với một số kiến trúc sư, mơ ước trên hoàn toàn có thể trở thành sự thật, nhờ vào những cách tân công nghệ đã khiến khái niệm về nhà cửa trở nên hoàn toàn mới mẻ, và vượt xa khỏi những ranh giới thông thường.
Từng là những công trình cố định trên mặt đất, giờ đây các ngôi nhà đã trở thành những vật thể có thể cử động như xoay chiều, thay đổi hình dạng hay thậm chí tự chỉnh sửa để phù hợp với những biến đổi khí hậu.
Một công trình khác của Jantzen.
“Nhà xoay Everingham” là một ngôi nhà bên sông, phía Bắc của bang New South Wales, Australia. Bề ngoài giống như mọi căn nhà nghỉ dưỡng bình thường khác, với hành lang, mái hiên bao xung quanh và nhìn ra bờ sông. Tuy nhiên, căn nhà hình lục giác rộng 540 m2 này có thể tự xoay 3600.
Bí quyết nằm ở phần đế bằng thép có đường kính 24m phía bên dưới ngôi nhà. “Chiếc đĩa” khổng lồ này có thể xoay theo cả hai hướng với tốc độ 160/ giờ - đồng nghĩa với việc ngôi nhà có thể tự xoay hai vòng mỗi giờ. Các tốc độ xoay chậm hơn cũng được thiết kế để chủ nhà có thể tự do chọn lựa.
Cuộc sống thường ngày trong ngôi nhà tự xoay
“Bạn không thể thật sự cảm nhận được ngôi nhà đang di chuyển, trừ khi bạn quan sát cảnh vật bên ngoài”, kỹ sư điện Luke Everingham nói về ngôi nhà được hoàn thành năm 2006 của mình.
Thiết kế 3D một căn nhà “Dynamic D*Haus”.
Trên bức tường phòng khách có cài đặt một màn hình cảm ứng, cho phép điều khiển một trong tám căn phòng của toàn ngôi nhà di chuyển theo hướng mặt trời. Vào mùa hè, bạn có thể lựa chọn không gian sử dụng chính trong nhà “quay lưng lại phía mặt trời”, và ngược lại, vào mùa đông, ngôi nhà của bạn luôn có thể “bắt kịp” với sự di chuyển của ánh nắng hiếm hoi. Everingham cho biết, vào mỗi sáng mùa đông, anh thường cho căn nhà quay trọn một vòng; sau đó, để phòng khách tùy chỉnh theo hướng mặt trời trong suốt khoảng thời gian còn lại trong ngày.
Phong cách sống bền vững
Nhà tự xoay không chỉ đơn giản đem lại tầm nhìn đẹp nhất hay thỏa mãn thú vui nhất thời của chủ nhà; ngược lại nó có thể mang đến những ảnh hưởng tích cực cho môi trường xung quanh. “Tạo ra những ngôi nhà có thể tự biến đổi theo môi trường là một cách sống vô cùng bền vững”, kiến trúc sư đang làm việc tại Anh - David Ben-Grunberg chia sẻ.
Tòa nhà Heliotrope được đánh giá là công trình tự xoay mang tính tiên phong nhất từng được xây dựng.
Ben-Grunberg và đồng nghiệp của mình, Daniel Woolfson đã xây dựng nên khái niệm “Dynamic D*Haus” - một ngôi nhà tự thay đổi hình dạng của mình. Mục đích ban đầu là thiết kế một công trình dân dụng có thể “tồn tại” trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng Lapland (Phần Lan), nếu được xây dựng “Dynamic D*Haus” sẽ là một ngôi nhà có 4 module, và có khả năng tự xoay chuyển theo 8 vị trí khác nhau.
Khi không khí nóng lên, ngôi nhà sẽ mở rộng “như một đóa hoa” - với các căn phòng bên ngoài được lộ ra, phần tường bên trong chuyển thành tường bên ngoài, và cửa ra vào biến thành cửa sổ. “Căn nhà bắt chước thiên nhiên bằng cách rộng mở vào mùa hè, cho phép ánh sáng và không khí tràn vào trong nhà nhiều hơn; và vào mùa đông, nó sẽ tự thu hẹp lại để duy trì độ ấm và sản sinh nhiệt lượng”, kiến trúc sư Woolfson cho biết.
Một thiết kế khác được đánh giá là công trình tự xoay mang tính tiên phong nhất từng được xây dựng trên thế giới, là tòa nhà Heliotrope tại Đức. Khi được hoàn thành vào năm 1994, đây là công trình đầu tiên trên thế giới thu được nhiều năng lượng hơn những gì nó sử dụng.
Theo tác giả của Heliotrope - kiến trúc sư Rolf Disch, mỗi tầng trong tòa nhà 4 tầng này được kết nối bởi một cầu thang xoáy ốc, và xây quanh một cột trung tâm có thể tự xoay 15 độ/ giờ theo hướng mặt trời.
Một mặt của tòa nhà bao gồm các cửa sổ cách nhiệt, giúp vừa thu nhiệt và giữ nó ở lâu hơn bên trong nhà. Mặt còn lại là những bức tường xây bằng vật liệu bông cách nhiệt rockwall (còn gọi là len đá) với các ô cửa sổ nhỏ. Phần tường này giúp cho căn nhà mát mẻ vào mùa hè, trong khi các ô cửa sổ nhỏ được đặt ở những vị trí mà ánh sáng không thể trực tiếp chiếu đến.
Những yếu tố thân thiện môi trường khác của Heliotrope bao gồm việc sử dụng “nước xám” - như nước thải từ máy giặt… được thu giữ và tái sử dụng - và hệ thống hấp thụ năng lượng mặt trời ở nóc nhà. Tòa nhà của Rolf Disch đã nhận được nhiều giải thưởng kiến trúc và môi trường uy tín trong nước và quốc tế. Hiện tại, có ít nhất hai công trình với hình dạng và công năng tương tự đã được xây dựng thêm ở Đức.
Ai sống trong những ngôi nhà tự xoay?
Câu trả lời là hầu hết chủ nhà đều có túi tiền dày. Không ngạc nhiên, vì chi phí xây dựng các công trình như vậy không hề rẻ, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Căn nhà tự biến đổi tại New Mexico do Michael Jantzen thiết kế.
Một căn nhà theo kiểu “Dynamic D*Haus” có thể tốn đến 2,43 triệu USD, kiến trúc sư Ben-Grunberg ước tính. Theo ông, nhiều người gặp vấn đề trong khả năng đi lại thường quan tâm đến các căn nhà tự xoay, bởi vì những công trình này có thể giúp họ di chuyển đến các vị trí xung quanh nhà, như vườn, sân… một cách dễ dàng hơn.
Nghệ sĩ đến từ Mexico - Michael Jantzen - người từng thiết kế một số công trình nhà tự biến đổi - cho biết, mình đang tạo ra một phong cách sống khác biệt. “Điều đó (nhà tự xoay) dành cho những người không muốn bị ràng buộc bởi quan niệm thẩm mỹ truyền thống”, Jantzen nói. “Tôi nghĩ, nhà tự biến đổi sẽ trở thành một trào lưu mới trong tương lai. Nếu được thiết kế đúng cách, nó có thể sẽ rất thân thiện với môi trường và đem đến một lối sống mới mẻ, thú vị”.
Theo Lao động