Không nên né tránh phòng vệ thương mại
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2015,
ngành thép có sự tăng trưởng về mọi mặt, từ sản xuất, tiêu thụ. Sản xuất các sản phẩm
thép đạt gần 15 triệu tấn, tăng 21,5% so với năm 2014; tiêu thụ đạt gần 17,9 triệu tấn (gồm cả thép nhập), tăng 26% so với năm 2014.
Tuy nhiên, nhìn chung trong năm 2015, ngành thép đã phải khá “khổ sở” khi đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, phải chứng kiến sự đổ bộ của một khối lượng lớn thép nhập khẩu vào Việt Nam; trong đó, với 12 vụ kiện phòng vệ,
chống bán phá giá trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2 tỷ USD/9 tỷ USD ở chiều nhập khẩu.
Về số lượng, Việt Nam cũng chỉ xuất khẩu tổng cộng hơn 2,8 triệu tấn thép các loại/hơn 13 triệu tấn
thép nhập khẩu...
Bước sang năm 2016, cùng với việc thị trường xuất khẩu rộng mở, ngành thép Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để đưa sản phẩm sang các nước và đó là lý do để ngành thép mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 15-20%.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, một mối đe dọa nhãn tiền là khi chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu thì những nước nhập khẩu nhận thấy nguy cơ đe dọa ngành sản xuất của nước họ, họ sẽ đẩy mạnh các biện pháp phòng vệ.
Ngay cả các nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia... đã nhiều lần kiện phòng vệ thương mại Việt Nam.
Trước nguy cơ này, ông Nam cho biết, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam dù chưa phải đủ mạnh và giàu kinh nghiệm nhưng vẫn có khả năng để đấu tranh.
Nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp khi bị cơ quan nước ngoài áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, phải có tinh thần hợp tác cao, kiên trì, không được tránh né. Nếu tránh né, cơ quan phụ trách phòng vệ nước ngoài sẽ được quyền áp dụng ngay vì chúng ta bất hợp tác.
Nói thêm vấn đề này, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp để sẵn sàng trong quá trình điều tra, chuẩn hóa các số liệu, không chỉ phục vụ cho các cơ quan điều tra nước ngoài mà còn để phục vụ tốt cho chính doanh nghiệp, khi đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất của ngành mình.
Cân nhắc để hài hòa lợi ích
Những ý kiến về việc cộng đồng doanh nghiệp phải chủ động hơn trong trong phòng vệ thương mại không phải câu chuyện mới, đặc biệt với ngành thép, bởi năm 2015 là năm ngành này lao đao vì thép nhập khẩu giá rẻ “hoành hành,” làm đau đầu không ít
doanh nghiệp.
Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, trong hơn 13 triệu tấn thép nhập khẩu năm 2015, có những mặt hàng trong nước đã sản xuất được, chưa kể có một số biểu hiện gian lận thương mại.
Cụ thể, đã nhập khẩu 1,7 triệu tấn phôi, tăng 200%, trong khi đó sản xuất trong nước công suất 12 triệu tấn năm, hiện nay sản lượng khoảng 6 triệu tấn/năm. Thép cuộn nhập khẩu 1,6 triệu tấn, trong khi trong nước sản xuất 1,1 triệu tấn...
Trước sự gia tăng đột biến và bất thường về
nhập khẩu phôi thép và thép dài gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thép, nhiều doanh nghiệp thép đã gửi đơn tới Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị áp dụng tự vệ, với mức thuế đề nghị áp dụng tạm thời với phôi thép là 45% và 33% đối với sản phẩm thép dài. Đây cũng là lần thứ 2 Việt Nam chủ động kiện phòng vệ thương mại.
Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp thì kiện phòng vệ thương mại lại đang ảnh hưởng đến lợi ích của họ.
Ông Lê Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần ống thép Việt Đức cho rằng, ông đồng tình với phòng vệ thương mại khi các nhà máy phôi lâm vào nguy cơ, dư thừa sản phẩm và đủ cung cấp cho nhu cầu chung.
Nhưng hiện nay sản phẩm này không đủ đáp ứng nên không có lý do gì nguyên liệu rẻ mà doanh nghiệp không được nhập về, phải mua trong nước, trong khi mua phôi thép trong nước khó khăn.
Dẫn chứng điều này, ông Hải cho biết, 5 năm sản xuất thép, doanh nghiệp chỉ mua được của Hòa Phát chưa đến 50.000 tấn phôi, mua của Công ty liên doanh Khoáng sản và Luyện kim Việt -Trung -VTM (Lào Cai) được 100.000 tấn.
Như vậy, lượng phôi trong nước hiện không đủ đáp ứng, các doanh nghiệp sản xuất phôi này chỉ đủ đáp ứng cho
sản xuất thép của mình; doanh nghiệp không thể đòi hỏi Hòa Phát hay Việt Trung phải bán cho doanh nghiệp được.
Gần đây nhất liên tục Công ty cổ phần ống thép Việt Đức hỏi mua, nhưng bên Công ty liên doanh Khoáng sản và Luyện kim Việt-Trung-VTM cho biết không có hàng, sớm nhất phải tháng 3 mới có.
Chưa kể, “vừa rục rịch phòng vệ thương mại, trên thị trường giá phôi thép đã tăng từ 6,5 triệu tấn lên 7,2 triệu tấn” và doanh nghiệp buộc phải nâng giá lên, mà như vậy người dùng khổ, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, những biện pháp phòng vệ thương mại là cần thiết và chính đáng, nhưng nên áp dụng vào lúc nào thì Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp cùng ngành hàng nên bàn bạc lại để có sự thống nhất, vì quyền lợi của doanh nghiệp này lại ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp khác; đưa ra mức thuế suất hợp lý, chứ không thể đưa ra mức thuế trên 40%...
Nay thuế nhập khẩu phôi là 9%, thì nếu nâng, có thể đề xuất nâng lên 15-16%, để đảm bảo lợi ích chung.
Cùng quan điểm trên, ông Vũ Phong, Trưởng đại diện Pomina phía Bắc cho hay, năm 2015 đúc được trên 600.000 tấn phôi.
Sản phẩm có khả năng cạnh tranh tốt với phôi thép Trung Quốc với lý do thép phế đang tiếp tục hạ. “Chúng tôi ủng hộ ý kiến của Công ty cổ phần ống thép Việt Đức, trong vụ kiện chống bán phá giá này, hiệp hội nên xem xét kỹ lưỡng, làm sao để những đơn vị thép không gặp khó khăn,” ông Phong đề nghị./.