Năm 2016, lượng
sắt thép thô đạt 5.154,3 nghìn tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ; thép cán đạt 5.351,5 nghìn tấn, tăng 26,8% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt 4.702,9 nghìn tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ.
Với năng lực sản xuất hiện tại, Bộ Công Thương đánh giá ngành thép Việt Nam có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu
phôi thép,
thép xây dựng và thép cán nguội cho nhu cầu trong nước (khoảng 7-8 triệu tấn/năm). Tuy nhiên, chủng loại thép tấm cán nóng là nguyên liệu đầu vào cần thiết cho nhiều ngành như
sản xuất thép cán nguội, tôn mạ, ống thép, đóng tàu, cơ khí chế tạo, có nhu cầu lớn (khoảng 10 triệu tấn/năm) trong nước lại chưa sản xuất được, hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Với thực trạng này, Bộ Công Thương đặt ra kế hoạch năm 2017 dự kiến sản lượng sắt thép thô đạt 5.590,9 nghìn tấn, tăng 16,6% so với ước thực hiện năm 2016; sản lượng thép cán đạt 5.840,3 nghìn tấn, tăng 18% so với ước thực hiện năm 2016 đáp ứng đủ nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu kế hoạch nêu trên, giải pháp của Bộ Công Thương là áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo đảm cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu nhưng theo dõi sát tác động của các biện pháp này tới sản xuất, tiêu dùng trong nước để có sự điều chỉnh kịp thời, nếu cần. Bảo đảm hỗ trợ hợp lý cho sự phát triển của ngành thép trong dài hạn.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng cho rằng các doanh nghiệp
ngành thép cần tiếp tục nỗ lực đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Các
doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến thị trường, lập kế hoạch linh hoạt từng tháng, quý; tập trung quản lý đầu ra sản phẩm thông qua việc xây dựng hệ thống phân phối, tăng cường quảng bá thương hiệu…
Theo Vfress