Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), kết thúc năm 2018, sản xuất thép từ các doanh nghiệp thành viên của VSA đạt hơn 24 triệu tấn, tăng 14,9% so năm 2017. Trong đó, tiêu thụ đạt gần 22 triệu tấn, xuất khẩu đạt gần 4,8 triệu tấn, tăng lần lượt 20,9% và 26,6% so năm 2017. Xuất khẩu thép thành phẩm năm 2018 cũng đạt gần 8 triệu tấn, tăng 40% về lượng so năm 2017, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 5,7 tỷ USD.
Đáng chú ý, thay vì phải nhập khẩu phôi thép như trước đây, Việt Nam hiện đã xuất khẩu được hơn 300.000 tấn phôi trong năm 2018. Kết quả này có được từ sự cố gắng của các doanh nghiệp nhằm thể hiện năng lực của ngành công nghiệp thép trong nước, giúp giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu để bảo đảm nguyên liệu đầu vào cho việc luyện cán thép.
Hiện năng lực sản xuất của ngành thép trong nước đạt khoảng hơn 30 triệu tấn/năm, được đánh giá đứng đầu các nước Đông - Nam Á. Dự báo trong năm 2019, tăng trưởng của ngành sẽ đạt khoảng 25%. Tuy nhiên, việc phát triển nóng đang đặt ra cho ngành thép một vấn đề là nguồn cung luôn vượt quá nhu cầu của thị trường trong nước, dẫn đến lượng hàng tồn kho lớn, dù toàn ngành mới chỉ hoạt động khoảng 65 - 70% công suất. Như vậy, nếu nói về số lượng, rõ ràng Việt Nam không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đang dư thừa công suất, nhất là với mặt hàng thép xây dựng. Thế nhưng, giá thép trong nước lại không hề cạnh tranh so với thép nhập khẩu cùng chủng loại, đặc biệt từ Trung Quốc.
Thực tế trong thời gian qua, thép nội đã phải rất chật vật để đối phó một khối lượng lớn thép nước ngoài giá rẻ, dư thừa, tìm cách tuồn vào Việt Nam, nhất là từ khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Nhiều chuyên gia nhận định, về lâu dài sức ép này vẫn rất lớn nếu doanh nghiệp không nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh, do việc áp dụng phòng vệ thương mại chỉ là biện pháp tạm thời nhằm ứng phó những biến động bất thường trên thị trường. Ngoài ra, chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam cũng đang tồn tại những bất cập, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch khi đã đầu tư quá lớn vào các dự án sản xuất thép, phát triển theo trào lưu, nhưng lại thiếu tính bền vững. Trong đó, việc quá chú trọng đầu tư vào phát triển sản xuất thép xây dựng là điều chưa thực sự phù hợp.
Vì vậy, về lâu dài, các doanh nghiệp trong nước muốn phát triển và cạnh tranh với thép nhập khẩu cần chủ động nâng cao nội lực, chất lượng sản phẩm; đặc biệt sản phẩm phải có giá thành thấp, tính cạnh tranh cao. Cần nhanh chóng áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất sản phẩm thép chất lượng cao sử dụng cho công nghiệp cơ khí, đóng tàu, sản xuất ô tô hay một số loại thép đặc biệt đang thiếu mà chúng ta chưa sản xuất được. Kiên quyết loại bỏ những nhà máy sản xuất thép lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu và chi phí cao. Đồng thời cần nghiên cứu liên kết, sáp nhập, cơ cấu lại các nhà máy thép có quy mô nhỏ trong cùng một vùng thành một tổ hợp để nâng cao tính cạnh tranh. Điều đó sẽ góp phần nhanh chóng giúp xây dựng ngành thép phát triển đồng bộ, hiện đại, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để các doanh nghiệp mở rộng thị phần trong nước và xuất khẩu.
VLXD.org (TH/ Nhân dân)
Ý kiến của bạn