Báo cáo nhấn mạnh bất động sản thương mại, khu công nghiệp và các ngành liên quan như xây dựng, thép, xi măng được cho là không bị ảnh hưởng do virus Corona. Bởi hoạt động mua nhà chung cư dựa trên nhu cầu và kế hoạch sinh sống dài hạn, do đó không liên quan đến sự kiện như bệnh dịch. Nhu cầu thuê đất khu công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trước làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh cộng thêm sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc.
Nhóm sản xuất và tiêu thụ xi măng cũng được đánh giá không bị ảnh hưởng bởi dịch này, trong khi Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của xi măng Việt Nam. Phân tích thực tế cho thấy, trong tổng sản lượng xi măng, clinker tiêu thụ năm 2019 khoảng 97 - 98 triệu tấn, thì xi măng tiêu thụ nội địa khoảng 67 triệu tấn, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker khoảng 31 - 32 triệu tấn, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu xi măng, clinker lớn nhất của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan công bố ngày 13/1/2020, trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 33,87 triệu tấn xi măng và clinker, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 16,58 triệu tấn, chiếm 48,9% trong tổng lượng và chiếm 45,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tương đương 629,89 triệu USD.
Tuy không ảnh hưởng trực tiếp như ngành dịch vụ du lịch, hàng không hay nông sản nhưng theo các chuyên gia, dịch viêm phổi Vũ Hán ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc. Hiện Chính phủ nước này đang tập trung phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán. Việc hạn chế thông quan (kể cả đường biển) để phòng chống dịch sẽ ảnh hưởng đến các mặt hàng nhập khẩu trong đó có xi măng.
Nhưng các chuyên gia ngành xi măng lạc quan cho rằng mức độ ảnh hưởng không lớn bởi dịch sẽ được khống chế, cũng phải nhấn mạnh thêm chiến lược của nhiều nhà máy xi măng Việt Nam là tập trung phục vụ thị trường nội địa nên xuất khẩu được coi là kênh điều phối, giảm hàng tồn kho.
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), VICEM xuất khẩu được coi là kênh điều phối, giảm hàng tồn kho khi thị trường trong nước ở điểm đáy tiêu thụ như thời điểm Tết Nguyên đán hay mùa mưa bão. VICEM không xem xuất khẩu là mô hình tăng trưởng mà chỉ tham gia xuất khẩu để nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng tối ưu hóa năng lực sản xuất, cân đối dư thừa theo mùa vụ. Còn lại tập trung điều phối năng lực sản xuất 3 miền của cả nước để gia tăng giá trị. Thị trường tiêu thụ nội địa và phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước là mục tiêu lớn nhất VICEM hướng đến.
Chúng ta đang có 1/3 lượng xi măng để xuất khẩu và nếu chúng ta đẩy mạnh được đầu tư cơ sở hạ tầng trong nước, nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa tăng lên thì chúng ta chuyển xuất khẩu sang tiêu thụ trong nước, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung cho biết.
Bộ Xây dựng ước tính nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2020 đạt khoảng 101 - 103 triệu tấn, tăng 4 - 5% so với năm 2019, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 69 - 70 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 32 - 34 triệu tấn. Năm 2020 dự kiến có 2 dây chuyển sản xuất xi măng đi vào vận hành, đưa tổng số dây chuyền sản xuất xi măng của cả nước lên con số 86, với tổng công suất toàn ngành đạt 105,84 triệu tấn.
VLXD.org (TH/ Xây dựng)