Cá cược game - Game Thể Thao 24H

Thông báo Việc làm Hỏi đáp chuyên ngành

Xi măng

Xuất khẩu xi măng Việt Nam trước sức ép cạnh tranh của hàng ngoại

17/03/2016 - 03:33 CH

Năm 2015, xuất khẩu xi măng đã giảm gần 20%, chỉ đạt mức 16,25 triệu tấn và năm 2016 dự kiến con số xuất khẩu còn tiếp tục “trượt dốc”. Nỗi lo này càng hiện hữu, nhất là khi Việt Nam chính thức tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, điều này đồng nghĩa với gia tăng sức ép cạnh tranh khi tiêu thụ sản phẩm.
>> Tổng quan thị trường xi măng thế giới năm 2015
>> Tổng quan thị trường xi măng trong nước năm 2015 và dự báo cho năm 2016


Tổng công suất các nhà máy xi măng đang đạt khoảng 81,5 triệu tấn. Năm 2016, mức tiêu thụ dự kiến tăng từ 5 - 7% so với năm 2015, tương đương 75 - 76 triệu tấn cũng đồng nghĩa với việc cung vượt cầu.

Một cuộc cạnh tranh khốc liệt được báo trước và các doanh nghiệp xi măng trong nước buộc phải chủ động khâu tiêu thụ nội địa cũng như tìm hướng xuất khẩu.

Mặc dù năm 2016 không có thêm dây chuyền xi măng mới nào được đưa vào hoạt động và nhu cầu tiêu thụ tăng cao hơn con số tiêu thụ thực tế của năm 2015 khoảng 3 triệu tấn nhưng công suất hiện tại được khẳng định vẫn thừa đáp ứng nhu cầu trong nước.

Thời điểm năm 2013, 2014 được coi là thời gian khó khăn của ngành sản xuất nói chung và nhóm vật liệu xây dựng nói riêng mà điển hình là lĩnh vực xi măng bởi chịu tác động “đóng băng” từ thị trường bất động sản.

Có thể nói, xuất khẩu đã từng là “cứu tinh” cho đầu ra xi măng với đỉnh cao năm 2014 đạt mức tiêu thụ hơn 21 triệu tấn, giúp thu về gần 900 triệu USD.

Mặc dù Việt Nam có ngành công nghiệp xi măng lớn nhất Đông Nam Á với 58 nhà máy xi măng có tổng công suất trên 80 triệu tấn mỗi năm nhưng lượng xuất khẩu so với Thái Lan – quốc gia trong cùng khu vực lại thấp hơn rất nhiều.

Thái Lan hiện có khoảng 11 nhà máy xi măng với công suất 46,7 triệu tấn mỗi năm, thấp hơn Việt Nam khoảng 34 triệu tấn. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ nội địa của họ chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng sản lượng, số còn lại hơn 34 triệu tấn dành phục vụ xuất khẩu mỗi năm.

Nếu chỉ so sánh riêng lượng xuất khẩu thì “đỉnh cao” năm 2014 của Việt Nam là mức 21 triệu tấn vẫn còn kém Thái Lan tới 13 triệu tấn.

Xi măng Thái Lan đã thâm nhập vào thị trường quốc tế từ rất lâu trong khi Việt Nam mới xuất khẩu xi măng và clinker từ năm 2010, sau nhiều năm phải nhập khẩu.

Bởi vậy, về kinh nghiệm cũng như tên tuổi trên bản đồ xuất khẩu xi măng thì Việt Nam vẫn “non” hơn họ và việc thu hút khách hàng nhập khẩu cũng không thể “một sớm - một chiều”.

Một trong những lợi thế của Thái Lan trong cạnh tranh chính là chất lượng và vận chuyển nhanh. Mặt khác, tâm lý khách mua cũng luôn ưu tiên chọn các bạn hàng đã có quan hệ truyền thống lâu đời như Thái Lan khiến doanh nghiệp Việt phải nỗ lực hơn gấp bội.

Trong khi nhu cầu tiêu dùng xi măng từ các thị trường nhập khẩu chưa có dấu hiệu tăng thì nguồn cung xi măng của các quốc gia cạnh tranh lớn như Thái Lan lại vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này càng đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng non trẻ vào thế bất lợi.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Bangladesh là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là thị trường nhập khẩu xi măng clinker lớn thứ ba trong khu vực Nam Á. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu clinker của Việt Nam sang Bangladesh năm 2015 đã giảm trên 30% so với năm 2014.

Cùng với Thái Lan, mặt hàng xi măng Việt Nam đang cũng đang phải đối mặt với đối thủ “nặng ký” là Trung Quốc. Sức ép cạnh trạnh của xi măng Trung Quốc bắt đầu mạnh lên từ thời điểm năm 2015.

Các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng phân tích, thị trường Trung Quốc sau thời gian phát triển nóng đã dư thừa công suất khoảng 670 triệu tấn xi măng.

Lượng dư này gấp khoảng 8 lần tổng công suất xi măng của Việt Nam. Con số khổng lồ này không chỉ gia tăng sức ép cạnh tranh đối với láng giềng gần nhất là Việt Nam mà cũng khiến Trung Quốc trở thành đối thủ “đáng gờm” với các nước xuất khẩu xi măng khác.


Xi măng Thái Lan đã thâm nhập vào thị trường quốc tế từ rất lâu trong khi Việt Nam mới xuất khẩu xi măng và clinker từ năm 2010.

Trong khi đó, mặt bằng giá xuất khẩu xi măng 2015 của Việt Nam đã giảm nhưng hiện vẫn cao hơn vài USD/tấn so với giá xuất khẩu măng của Trung Quốc.

Cùng đó, các doanh nghiệp trong nước cũng chưa có nhiều hợp đồng xuất khẩu dài hạn, dự báo về biến động thị trường còn yếu, chưa nhạy bén khiến công tác định hướng xuất khẩu sản phẩm xi măng gặp khó khăn.

Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới cho biết, trong khi ngành xi măng cung đã vượt cầu lại thêm sức ép từ các doanh nghiệp xi măng nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc thì khả năng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Trước sức ép cạnh tranh giá, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) Trần Việt Thắng chia sẻ, có những thời điểm giá xuất khẩu xi măng Trung Quốc thấp hơn Việt Nam khoảng 10 USD/tấn clanh-ke nên hoạt động xuất khẩu đương nhiên gặp khó.

Với mức tiêu thụ nội địa năm 2015 tăng 7 - 9%, đạt 56,46 triệu tấn và năm 2016 dự kiến tăng 4%, mức dư cung khoảng 25 triệu tấn sẽ không dễ tiêu thụ thông qua con đường xuất khẩu – ông Thắng phân tích. Chắc chắn nếu không xuất khẩu được, nhiều doanh nghiệp xi măng sẽ phải dãn, hoãn, thậm chí dừng sản xuất.

Khó khăn từ xuất khẩu cũng góp phần gia tăng áp lực cạnh tranh tiêu thụ trong nước bởi chính các doanh nghiệp cũng tự nhận thấy sẽ phải chú ý “chăm sóc” thị trường nội địa bởi đây mới là “cửa sáng”.

Tuy nhiên, giai đoạn này, nhu cầu tiêu thụ nội địa dù dự báo có tăng nhưng cũng không có đột biến. Hiện thị trường phía Bắc được đánh giá không êm đềm như khu vực phía Nam.

Giám đốc xí nghiệp tiêu thụ Vicem Hoàng Thạch Nguyễn Anh Quân cho hay, ngay cả đơn vị lớn như Vicem Hoàng Thạch cũng có những thời điểm rất căng thẳng.

Tìm hiểu cho thấy, thế mạnh của Vicem Hoàng Thạch là khối dân sinh, điều này có tính hai mặt: cho lợi nhuận tốt nhưng lại phụ thuộc vào thời vụ (mùa và cao điểm xây dựng).

Thực tế nhiều năm qua, Vicem Hoàng Thạch luôn được coi là nhà sản xuất dẫn dắt thị trường khu vực phía Bắc. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp xi măng lân cận đều chờ đợi vào “động thái” của Hoàng Thạch để có phương án điều chỉnh phù hợp và thường đưa ra mức giá thấp hơn nhằm cạnh tranh.

Đây cũng là câu chuyện chung cần cảnh báo - ông Quân phân tích. Việc cạnh tranh thiếu lành mạnh của chính các nhà sản xuất trong nước cũng sẽ khiến cả nhóm sản phẩm này lao đao, phá giá lẫn nhau, dẫn đến tình trạng bất lợi chung nhất là khi phải đối mặt với sức ép “hàng ngoại”./.

Theo Bnews
 

Ý kiến của bạn

Thương hiệu vật liệu xây dựng