Bê tông cốt liệu nhẹ khối lượng thể tích dưới 11.900kg/m3, có cường độ tương đương bê tông thường và nhẹ hơn khoảng 25 - 35%. Bê tông cốt liệu nhẹ khắc phục hạn chế của bê tông truyền thống, giúp việc thiết kế công trình mềm dẻo hơn và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ở nước ta đã chế tạo được bê tông cốt liệu nhẹ, tuy nhiên cường độ còn thấp và chủ yếu ứng dụng làm vật liệu cách nhiệt, các cấu kiện trong xây dựng dân dụng. Bê tông cốt liệu nhẹ chịu lực (cường độ cao) chưa được quan tâm nghiên cứu, thiết kế để phát triển loại vật liệu này trong các kết cấu chịu tải trọng lớn.
Theo tiêu chuẩn châu Âu EN 206-1:2000, bê
tông nhẹ có khối lượng thể tích nhỏ hơn 2.000kg/m3 và cường độ chịu nén
dao động từ 8 - 80MPa (mẫu trụ). Bê tông nhẹ chịu lực theo ACI 213R-03
là bê tông có khối lượng thể tích từ 1.120 - 1.920kg/m3 và cường độ chịu nén ngày 28 ngày tối thiểu là 17MPa.
Có thể thấy rằng, khi khối lượng thể tích giảm từ 2.400kg/m3 trong bê tông truyền thống xuống còn 1.900kg/m3
đối với bê tông nhẹ thì có thể giảm bớt trọng lượng bản thân của kết
cấu một cách đáng kể, giúp tiết kiệm được cốt thép và cốt thép dự ứng
lực, giảm chi phí xây dựng. Nếu sử dụng trong công trình cầu, tĩnh tải
bản thân của kết cấu giảm cho phép vượt khẩu độ dài hơn, sử dụng các
loại trụ và nền móng đơn giản và giảm tiết diện bề mặt của cấu kiện dầm.
Ngoài ra, việc sử dụng bê tông cốt liệu nhẹ trong sửa chữa và cải tạo
cầu thường làm tăng khả năng chịu tải trọng động của các kết cấu cầu cũ.
Trên
thực tế, bê tông cốt liệu nhẹ đã được sử dụng thành công và phổ biến
trong xây dựng nói chung và xây dựng cầu nói riêng từ hơn 70 năm qua
trên thế giới. Một nghiên cứu về vật liệu này đã tổng hợp rằng hơn 300
cầu nhẹ được xây dựng ở Bắc Mĩ, tối thiểu 100 cái đã xây dựng ở Liên Xô
cũ, một số lượng đáng kể đã được thực hiện ở châu Âu và đặc biệt hơn
2.000 cầu nhẹ nhịp ngắn đã được xây dựng ở Alberta, Canada. Rõ ràng,
việc sử dụng bê tông cốt liệu nhẹ trong xây dựng cầu không phải là mới
trên thế giới, tuy nhiên vẫn hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam.
Những
năm gần đây, ở nước ta, bê tông cốt liệu nhẹ đã bắt đầu được quan tâm,
sản xuất và sử dụng làm vật liệu cách nhiệt, gạch block, các tấm bản
dùng trong xây dựng dân dụng. Tuy vậy, các loại bê tông này có khả năng
chịu lực khá giới hạn, cường độ chịu nén tuổi 28 ngày chỉ đạt khoảng 25 -
30MPa, do đó chưa thể ứng dụng trong các kết cấu chịu tải trọng lớn như
kết cấu cầu.
Trên thực tế, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản
xuất bê tông cốt liệu nhẹ ở nước ta vẫn còn khá hạn chế, đặc biệt là các
loại cốt liệu nhẹ chất lượng cao, gây khó khăn cho việc sản xuất các
loại bê tông cốt liệu nhẹ cường độ cao. Do đó, cần quan tâm nghiên cứu
thành phần bê tông cốt liệu nhẹ trên cơ sở vật liệu trong nước nhằm cải
thiện các đặc tính cơ học để có thể phát triển loại vật liệu này trong
các kết cấu chịu tải trọng lớn.
Vật liệu sử dụng và phương pháp nghiên cứu
Vật
liệu chế tạo bê tông cốt liệu nhẹ cũng bao gồm các thành phần cơ bản là
cốt liệu, chất kết dính, nước và phụ gia (nếu cần). Trong đó, cốt liệu
nhẹ sử dụng có thể có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo. Hiện nay, các
loại cốt liệu nhân tạo là lựa chọn tốt nhất để chế tạo bê tông nhẹ chịu
lực, trong đó phổ biến nhất là sét nở (keramzit).
1. Vật liệu sử dụng
-
Cốt liệu lớn: Nghiên cứu lựa chọn sử dụng cốt liệu nhân tạo là sỏi
keramzit. Những hạt sỏi gốm thường có hình cầu hoặc hình bầu dục, được
sản xuất bằng cách nung nở phồng đất sét dễ chảy. Sét khô và nở trong lò
quay ở nhiệt cao khoảng 1.100 - 1.200ºC, khi đi qua vùng đốt. Sản phẩm
cuối cùng là sét nở với bề mặt gốm cứng.
Các đặc trưng cơ lý của
hai loại keramzit (Hình 2.1) do Công ty Bemes (Vĩnh Cửu) - Việt Nam sản
xuất, sử dụng trong nghiên cứu được trình bày ở Bảng 2.1.
Bảng 2.1. Các tính chất cơ lý của sỏi keramzit -
Cốt liệu nhỏ sử dụng trong nghiên cứu là cát vàng sông Hồng có thành
phần hạt của cát đạt tiêu chuẩn TCVN 7570-2006. Các tính chất vật lý của
cát được giới thiệu ở Bảng 2.2.
- Xi măng sử dụng là xi măng poóc lăng Bút Sơn PC40, có các chỉ tiêu kỹ thuật thỏa mãn tiêu chuẩn TCVN 2682-1992.
-
Bột khoáng siêu mịn hoạt tínhsử dụng trong nghiên cứu là muội silic
(silica fume) loại Sikacrete PP1 của hãng Sika, thành phần là hoạt chất
đioxit silic cực mịn, kích thước hạt < 0,1mm và khối lượng riêng là
2,2g/cm
3.
Bảng 2.2. Các tính chất vật lý của cát
-
Phụ gia siêu dẻo sử dụng loại phụ gia giảm nước cao cấp loại viscocrete
3.000 - 20M của hãng Sika, có thành phần là polycarboxylat cải tiến,
khối lượng riêng là 1,06g/cm3.
- Nước dùng để trộn bê tông là nước sạch lấy từ nguồn nước sinh hoạt của TP. Hà Nội.
2. Phương pháp thiết kế thành phần
Thành
phần của bê tông nặng cần lựa chọn để thỏa mãn được tính công tác và
cường độ yêu cầu. Thiết kế tối ưu là một thành phần bê tông có lượng
dùng xi măng ít nhất. Trong khi đó, đối với bê tông nhẹ, ngoài tính công
tác, cấp phối bê tông còn cần thỏa mãn đồng thời hai chỉ tiêu là khối
lượng thể tích và cường độ. Vật liệu muốn nhẹ thì cần rỗng trong khi độ
rỗng lại tỉ lệ nghịch với cường độ. Do đó, việc khống chế giới hạn trên
khối lượng thể tích của bê tông khiến việc đạt được cường độ yêu cầu trở
thành một bài toán phức tạp trong thiết kế. Ngoài ra, tính công tác của
bê tông nhẹ là một đại lượng khó điều chỉnh do cốt liệu nhẹ rỗng có độ
hút nước lớn và gây phân tầng hỗn hợp.
Cường độ bê tông nhẹ bị
ảnh hưởng bởi chất lượng cốt liệu, cường độ của vữa và tỉ lệ thể tích
của các thành phần. Cường độ của cốt liệu nhẹ luôn nhỏ hơn cường độ của
vữa nên cường độ cốt liệu ảnh hưởng lớn đến cường độ bê tông. Khi sử
dụng cốt liệu nhẹ khối lượng thể tích nhỏ và cường độ thấp để chế tạo bê
tông nhẹ chịu lực, cường độ của bê tông bị khống chế bởi các tính năng
của cốt liệu. Cường độ của vữa phụ thuộc vào loại xi măng và tỉ lệ N/X.
Để cải thiện cường độ vữa có thể giảm tỉ lệ N/X (N/CKD) và sử dụng thêm
muội silic.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp thiết kế
thành phần bê tông của tiêu chuẩn ACI 211.2-98. Theo phương pháp này,
thành phần bê tông được lựa chọn dựa vào các bảng tra của tiêu chuẩn.
Nguyên tắc thiết kế tương tự phương pháp thiết kế thành phần bê tông
nặng truyền thống là dựa trên lý thuyết thể tích tuyệt đối. Các bảng tra
được điều chỉnh phù hợp với đặc thù của bê tông cốt liệu nhẹ. Tuy
nhiên, khi sử dụng các bảng tra này để lựa chọn thành phần, loại bê tông
thu được trên cơ sở cốt liệu nhẹ của Việt Nam không đạt được mục tiêu
về cường độ. Cường độ chịu nén trung bình tuổi 28 ngày của bê tông chỉ
đạt từ 25 - 30MPa khi thiết kế cho loại bê tông có cường độ ≥ 41MPa
(6000 psi). Điều này có thể lý giải là do chất lượng của cốt liệu nhẹ
khá thấp, độ nén giập trong xi lanh chỉ đạt khoảng 1,9 MPa, ảnh hưởng
rất lớn đến khả năng chịu lực của bê tông. Giải pháp đưa ra là sử dụng
một loại cốt liệu nhẹ có chất lượng tốt hơn, cải thiện cường độ phần nền
vữa xi măng và tối ưu hóa tỉ lệ thể tích giữa các thành phần.
Để
tận dụng tối đa vật liệu chế tạo trong nước, các tác giả đã tiến hành
nghiên cứu thiết kế thành phần bê tông cốt liệu nhẹ trên cơ sở tối ưu
hóa tỉ lệ thể tích và cải thiện cường độ vữa xi măng. Để đơn giản hóa
quy trình tính toán, các thành phần được phân thành hai nhóm chính, là
hồ chất kết dính và cốt liệu mịn hay vữa xi măng và các hạt cốt liệu
thô.
Trước tiên, nhóm nghiên cứu tiến hành thiết kế thành phần
vữa xi măng cải tiến (xi măng, muội silic, cát và nước) nhằm thu được
một loại vữa xi măng có cường độ chịu nén cao nhất. Tiếp theo, thành
phần bê tông cốt liệu nhẹ được tính toán trên cơ sở phối hợp thành phần
vữa tối ưu tìm được với sỏi nhẹ keramzit để đạt được bê tông có khối
lượng thể tích theo yêu cầu. Thành phần bê tông được qui định theo khối
lượng dùng cho 1m3 bê tông đầm chặt. Mẻ trộn đầu tiên của thành phần được tiến hành để kiểm tra khối lượng thể tích của bê tông tươi và độ dẻo.
Thí
nghiệm được tiến hành trên các mẫu lập phương 15x15x15 (cm), sau 28
ngày xác định khối lượng thể tích và cường độ chịu nén theo tiêu chuẩn.
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm
Trước
tiên, trên cơ sở xi măng poóc lăng PC40 Bút Sơn và muội silic sikacrete
PP1 của hãng Sika, vữa xi măng với tỉ lệ N/CKD bằng 0,22, 0,24, 0,26 và
0,28 được chế tạo với hàm lượng muội silic lấy theo kinh nghiệm là 10%.
Trên cơ sở các tài liệu tham khảo [5], [6], tỉ lệ cát được lựa chọn là
C/X = 1,4. Sau khi nén các mẫu vữa ở tuổi 14 ngày, lựa chọn loại vữa
tối ưu có cường độ chịu nén lớn nhất. Kết quả thí nghiệm cường độ vữa
được ghi ở Bảng 3.1 và biểu diễn trên Hình 3.1.
Bảng 3.1. Kết quả thí nghiệm cường độ chịu nén vữa xi măng ở tuổi 14 ngày Hình 3.1: Biểu đồ quan hệ giữa cường độ vữa xi măng và tỉ lệ N/X
Kết
quả cho thấy, cường độ chịu nén tuổi 14 ngày của vữa xi măng đạt giá
trị lớn nhất là 100MPa khi tỉ lệ N/X = 0,26, do vậy tỷ lệ này được lựa
chọn nhằm chế tạo bê tông. Thành phần bê tông được tính toán bằng cách
điều chỉnh tỉ lệ thể tích cốt liệu nhẹ trong 1m3 bê tông và thành phần vữa tối ưu tìm được nhằm đạt được một loại bê tông có khối lượng thể tích từ 1.850 - 1.950 kg/m3. Ngoài ra, để chế tạo bê tông nhẹ cường độ cao, tỉ lệ cốt liệu nhẹ không được vượt quá 0,5m3/1m3 bê tông. Do đó, nghiên cứu lựa chọn tỉ lệ cốt liệu nhẹ thích hợp là 0,35, 0,4 và 0,5m3/1m3 bê tông và tỉ lệ thể tích vữa tương ứng lần lượt là 0,65, 0,60 và 0,50.
Cốt
liệu nhẹ được ngâm nước trong 24h và để ráo nước trong vòng 1h trước
khi đổ bê tông. Các mẻ trộn được tiến hành bằng cách trộn hồ chất kết
dính với cát và phụ gia trong vòng 3 phút và tiến hành trộn với cốt liệu
nhẹ bão hòa nước nhằm tránh việc hút nước của vữa xi măng. Độ sụt được
tiến hành đo trước khi đổ khuôn. Thí nghiệm khối lượng thể tích bê tông
tươi và bê tông sau khi đông cứng được thực hiện. Mẫu thử được bảo dưỡng
28 ngày và thí nghiệm nén theo tiêu chuẩn.
Kết quả thí nghiệm được trình bày trong Bảng 3.2 và được biểu diễn trên Hình 3.2 và 3.3.
Bảng 3.2. Kết quả thí nghiệm cường độ chịu nén của bê tông cốt liệu nhẹ Kết
quả thí nghiệm cho thấy, độ sụt thể hiện tính công tác của các cấp phối
lựa chọn đều đạt từ 15 - 20 cm. Cường độ chịu nén lớn nhất của bê tông
cốt liệu nhẹ 44MPa ở tuổi 28 ngày. Bê tông chế tạo thỏa mãn về chỉ tiêu
khối lượng thể tích như mục đích thiết kế.
Kết quả nghiên cứu cho
thấy có thể chế tạo bê tông cốt liệu nhẹ trên cơ sở vật liệu sản xuất
trong nước. Loại bê tông này có thể đạt được cường độ chịu nén là 40 -
45MPa, đáp ứng yêu cầu sử dụng trong các kết cấu chịu lực nói chung và
công trình cầu nói riêng. Do đó, bê tông cốt liệu nhẹ trên cơ sở vật
liệu trong nước có thể được sử dụng để chế tạo các bộ phận công trình
cầu như bản mặt cầu, dầm cầu, giúp giảm được tĩnh tải bản thân của công
trình. Tuy nhiên, để đạt được cường độ cao hơn cần tìm kiếm, lựa chọn
loại cốt liệu keramzit có chất lượng tốt hơn.
Theo /GTVT